Nhớ về số báo kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9

- Tuyên Quang có địa danh lịch sử Tân Trào, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo tổng khởi nghĩa toàn quốc, nơi Quốc dân đại hội họp, nơi “cắt rốn chôn rau” nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gần đến ngày lễ lớn, chúng tôi suy nghĩ ra số báo sao cho tạo được ấn tượng nhất định đối với bạn đọc.

Tổng Biên tập Nguyễn Văn Mạch

Như vậy, cần có bài viết hay chân dung một trong các bậc tiền bối ở Tân Trào: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương... Song đến thời điểm năm 1995, các vị đều đã về cõi vĩnh hằng. Người duy nhất trong lớp tiền bối còn tại thế là đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường thân mật gọi là “Chú Văn”. Ngày ấy, “Chú Văn” đi đón “Ông Ké” đang trên đường từ Pác Bó xuống.

“Ông Ké” và “ Chú Văn” gặp nhau ở Nghĩa Tá. Một địa danh lịch sử, nơi hội quân của Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân. “Ông Ké” dặn: “Cần tìm ngay một địa điểm là cơ sở cách mạng, quần chúng giác ngộ tốt, thuận lợi liên lạc với Trung ương ở dưới xuôi và các nơi” - Được hiểu là nơi có nhân hòa, địa lợi. Lập tức quay lại, hội ý gấp với các Ủy viên phân khu ủy Nguyễn Huệ, Song Hào, Tạ Xuân Thu và đi đến thống nhất chọn làng Kim Lung làm nơi đón “Ông Ké thượng cấp” về chỉ đạo chuẩn bị lực lượng mọi mặt tiến tới tổng khởi nghĩa. 

Từ góc nhìn lại lịch sử, Ban biên tập giao tôi và nhà báo Thế Hòa thực hiện. Hôm đó, hình như chỉ có giấy giới thiệu của Biên tập do tôi ký. Từ ngày làm chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Tuyên tôi ký bút danh Phù Ninh. Chữ ký không có nét gì đặc biệt, rất dễ luận ra. Có lẽ thế nên đại tá Tâm, thư ký của Đại tướng nhận ra tôi là đồng hương Phù Ninh. Việc gặp Đại tướng được thu xếp nhanh chóng.

Một ngày đầu thu, trời cao lồng lộng, vài vệt mây trắng lững lờ trôi về phía quảng trường Ba Đình. Nhà của Đại tướng trên đường Bắc Sơn, khoảng giữa quảng trường Ba Đình và trụ sở bộ Quốc phòng. Chúng tôi đến trước giờ hẹn, không phải đợi, được đại tá Tâm dẫn vào ngay. Phòng khách là đơn nguyên kiến trúc xinh xắn, xung quanh nhiều cây sấu già đang mùa quả, bóng râm mát rượi. Ngôi biệt thự của gia đình ở phía sau phòng khách. Biệt thự cũ, hai tầng bình thường, nằm giữa khuôn viên khá rộng, rất nhiều cổ thụ. Chúng tôi rất xúc động vì nhìn thấy Đại tướng đã ở đó.

Ông mặc quân phục, vai gắn quân hàm cấp tướng bốn sao, cảm giác như ông sắp đón khách quý nào đó, chứ không phải là mấy phóng viên báo địa phương chúng tôi. Đại tướng hỏi về tình hình của tỉnh nhà. Ông tỏ ra vui mừng khi nghe tôi kể những nét chính về những đổi mới tích cực của địa phương. Chợt đôi mắt ông hướng về xa xăm, dường như đang hiện về những ngày “Ông Ké ” mệt nặng, mà trong những cán bộ cấp cao chỉ có một mình “Chú Văn” ở bên cạnh.

Tổng Biên tập Nguyễn Văn Mạch (thứ 2 bên trái) trong một chuyến công tác tại xã Trung Minh (Yên Sơn) năm 1997.

Vọng về lời sắt son, tưởng như sắp đi xa của ông Cụ “Lúc này thời cơ đã đến, dù phải hi sinh đến đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải giành được độc lập”. Và lùi thời gian về trước nữa, “Việc này giao cho chú Văn”. Đó là thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chờ ông dứt dòng hồi tưởng, tôi nêu nguyện vọng được có hình ảnh Đại tướng trên báo Tuyên Quang. Ông vui vẻ nhận lời và ngồi vào vị trí do nhà báo Thế Hòa bố trí. Đạt được nguyện vọng, hai chúng tôi đề nghị, từng người được chụp ảnh với Đại tướng để ghi nhớ cuộc gặp khó có lần thứ hai. Không dám lạm dụng thì giờ của ông, chúng tôi cảm ơn rồi chào ra về, lòng lưu luyến khôn tả.

Về chuyện này, khi diễn ra lễ quốc tang Đại tướng, nhà báo Ngô Thu Hà, Phó Tổng biên tập Báo Tuyên Quang, kể, có một số báo địa phương thắc mắc, làm sao có hình ảnh đại tướng đọc báo Tuyên Quang mà báo họ không có. Âu cũng là bởi lịch sử đã đặt Tuyên Quang vị trí trung tâm lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí minh trong cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến 9 năm. Và một là bổn phận cùng mẫn cảm của người làm báo. 

Năm 2024, kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Sang năm, 2025 kỷ niệm 80 năm nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những yếu nhân làm nên lịch sử. Hy vọng báo nhà sẽ ra số đặc biệt gây ấn tượng hay và đẹp.

Nguyễn Văn Mạch

Tin cùng chuyên mục