Ảnh minh họa.
Báo cáo ghi nhận, tại Việt Nam ghi nhận mức tiêu thụ từ 3,3 tấn trong quý III-2021, nhu cầu tiêu thụ vàng nhìn chung đạt 12 tấn trong quý III-2022, tăng 264% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng nhu cầu vàng thỏi và xu vàng cho thấy mức tăng trưởng tương tự khi tăng từ 2,4 tấn ở quý III-2021 lên 8,5 tấn trong quý III-2022, tăng 254% so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu trang sức tăng từ 0,9 tấn trong quý III-2021 lên 3,5 tấn trong quý III-2022, tăng 290% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải thích về sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ vàng so với cùng kỳ năm trước, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của WGC Andrew Naylor cho rằng, sự gia tăng đáng kể về nhu cầu tiêu dùng vàng thỏi và xu vàng cũng như nhu cầu trang sức phần lớn đến từ việc nhu cầu tiêu thụ vàng ở quý III-2021 yếu hơn nhiều so với hiện tại. Theo chuyên gia này, cùng với việc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và hạn chế trong việc phòng, chống Covid-19, các hoạt động kinh tế đang trở lại trạng thái bình thường, đáng lưu ý là sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. “Thay vì cắt giảm lương và nhân lực, các công ty đang quay trở lại hoạt động tối đa công suất. Điều này đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng tăng vọt” – ông A. Naylor cho biết.
Trên toàn cầu, báo cáo ghi nhận hoạt động đầu tư giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái, vì các nhà đầu tư vào quỹ ETF trở nên thận trọng hơn trước tình hình thị trường đầy thách thức khi lãi suất tăng cao, cùng đồng USD tăng mạnh, và lượng vàng bị bán đi đáng kể khỏi các quỹ lên đến 277 tấn. Những diễn biến này, cùng với sự suy giảm của nhu cầu đầu tư vào thị trường OTC, và tâm lý tiêu cực về tương lai của các thị trường đầu tư đã ảnh hưởng đến giá vàng - góp phần khiến giá vàng giảm 8% tại quý III-2022 so với quý trước đó.
Bất chấp những rào cản này, các nhà đầu tư cá nhân vẫn ưu ái vàng là “nơi trú ẩn an toàn” để bảo toàn giá trị tài sản trong bối cảnh lạm phát tràn lan và sự bất ổn địa chính trị. Các nhà đầu tư đã phòng ngừa lạm phát bằng cách đầu tư vào vàng thỏi và xu vàng, khiến tổng cầu bán lẻ tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số ấn tượng này được góp phần bởi lượng mua vào đáng kể ở Thổ Nhĩ Kỳ (tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), hay ở Đức (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 42 tấn).
Cùng với đó, nhu cầu mua bán và tiêu dùng đồ trang sức tiếp tục phục hồi, và hiện đã quay trở lại trạng thái trước đại dịch, đạt 523 tấn - cao hơn 10% so với quý III-2021. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi người tiêu dùng tại các khu vực đô thị ở Ấn Độ, với số lượng tiêu thụ đạt mức 146 tấn, tăng 17% so với năm ngoái. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Trung Đông, với Saudi Arabia tăng 20% kể từ quý III-2021 và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tăng 30% trong cùng kỳ.
Tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức đạt mức tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, do niềm tin của người tiêu dùng đã được cải thiện, và giải phóng các nhu cầu bị dồn nén, cũng như sự sụt giảm của giá vàng trong nước vào tháng 7-2022.
Ngay khi nhu cầu tiêu thụ vàng của người tiêu dùng tăng lên, hoạt động mua vàng của Ngân hàng Trung ương đã tăng đáng kể với lượng mua kỷ lục được ước tính lên đến gần 400 tấn trong quý III-2022.
Về nguồn cung, sản lượng khai thác mỏ (được ổn định và bảo vệ giá) đã tăng 2% so với quý III-2021, với lượng khai thác vàng đạt mức tăng trưởng ở quý thứ sáu liên tiếp. Ngược lại, tỷ lệ tái chế giảm 6% trong quý III-2022 so với cùng kỳ năm ngoái do người tiêu dùng có xu hướng tích trữ vàng trong bối cảnh lạm phát gia tăng và triển vọng kinh tế bất ổn.
Nhìn về tương lai, các chuyên gia của WGC dự đoán, hoạt động mua và đầu tư bán lẻ của Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, có thể giúp bù đắp cho sự suy giảm có thể dự đoán trước trong đầu tư OTC và ETF nếu đồng USD vẫn tiếp tục tăng giá. WGC cũng kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở một số khu vực như Ấn Độ và Đông Nam Á, trong khi nhu cầu vàng trong lĩnh vực công nghệ có thể sẽ tiếp tục suy giảm khi nền kinh tế giảm sút.
Gửi phản hồi
In bài viết