Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (phường 12, quận 4) nằm trong hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây còn được biết đến với cái tên Bến Nhà Rồng - nơi người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (1911). Bảo tàng trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh đến tình cảm sâu nặng của Bác đối với nhân dân miền Nam và niềm kính yêu của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (phường Võ Thị Sáu, quận 3) là một bảo tàng hòa bình, từng được du khách quốc tế bình chọn trên trang web du lịch nổi tiếng TripAdvisor là “Bảo tàng tốt nhất thế giới”. Bảo tàng chuyên nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về hậu quả tàn khốc của các cuộc chiến tranh tại Việt Nam; qua đó lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa và thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam
Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam (phường 12, quận 10) là nơi trưng bày gần 3.000 hiện vật liên quan đến y học cổ truyền từ xưa đến nay. Du khách có thể tìm hiểu quá trình bào chế thuốc cổ truyền qua các dụng cụ bào chế thuốc và những vật dùng trong nghề bán thuốc như cân, tủ thuốc, khuôn in, bát uống thuốc, bình vôi... khi tham quan bảo tàng.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Tọa lạc tại phường 7 (quận 3), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là nơi trưng bày, lưu giữ hơn 40.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến giá trị văn hóa truyền thống và vai trò của người phụ nữ trong các giai đoạn lịch sử tại Nam Bộ. Đây được coi là “ngôi nhà chung” cho phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Bảo tàng Áo dài
Bảo tàng Áo dài (phường Long Phước, quận 9) được xây dựng sau 12 năm nghiên cứu và sưu tầm hiện vật của họa sĩ - nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Đây là nơi trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật về áo dài Việt Nam, về quá trình thay đổi của tà áo dài xuyên suốt lịch sử phát triển của đất nước, đồng thời lưu giữ dấu ấn của người phụ nữ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: Quân sự, ngoại giao, văn hóa, xã hội, giáo dục, thương mại...
Gửi phản hồi
In bài viết