Ứng dụng hiệu quả công nghệ số
Tại trường THCS Tân Yên, thị trấn Tân Yên, ngay từ đầu năm học 2022-2023, nhà trường đã đưa vào sử dụng màn hình tương tác thông minh trong dạy và học. Không chỉ dừng lại ở việc trình chiếu thông thường, màn hình tương tác thông minh còn giúp giáo viên kết hợp hình ảnh, âm thanh, video. Đồng thời, với màn hình cảm ứng, cho phép giáo viên và học sinh tương tác bằng tay, bằng bút lên màn hình. Cô giáo Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng trường THCS Tân Yên cho biết, màn hình tương tác thông minh là thiết bị dạy và học hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay. Giáo viên có thể mô phỏng và cho học sinh trực tiếp trải nghiệm các hiện tượng vật lý như mạch điện, lực hấp dẫn, các thí nghiệm hóa học ảo, vẽ tranh... Qua đó, giúp bài giảng trở nên sinh động hơn, học sinh tiếp thu nhanh hơn, kích hoạt trí tuệ khả năng tư duy, khả năng sáng tạo của học sinh và giáo viên. Cùng với đổi mới trong công tác dạy và học, trong năm học 2022-2023 này, nhà trường là một trong hai trường học của huyện triển khai thí điểm phần mềm quản lý nhà trường. Nhập kế hoạch giảng dạy, sổ chủ nhiệm, nhập dữ liệu sổ đầu bài... đều được làm trên phần mềm. Sau gần 2 tháng triển khai đã giúp hồ sơ, sổ sách được số hóa, sạch sẽ, dễ dàng tìm kiếm, công tác quản lý của nhà trường ngày một nâng cao hơn.
Một tiết học Tin học của học sinh trường Tiểu học Yên Thuận, xã Yên Thuận (Hàm Yên).
Chuyển đổi số góp phần quan trọng trong việc quảng bá, thúc đẩy phát triển nông nghiệp của huyện. Sản phẩm dúi của gia đình anh Triệu Văn Kiều, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên luôn trong tình trạng “cháy” hàng, không đủ cung cấp cho khách hàng. Do được xếp vào hàng đặc sản, giá mỗi cân dúi có giá từ 500 đến 600 nghìn/kg nên nhu cầu mua trong nhân dân để về ăn thịt hầu như rất ít, nên trước đây khi đàn dúi phát triển mạnh, anh lại gặp khó khăn trong khâu tìm đầu ra. Bên cạnh việc tìm đến các nhà hàng không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà còn ở các tỉnh khác. Anh quyết tâm học hỏi, sử dụng mạng xã hội để đưa sản phẩm của mình đi xa hơn. Quả thật sau một thời gian đưa sản phẩm dúi lên trang cá nhân và các hội nhóm, anh đã có nhiều đơn đặt hàng ở Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định... Anh Kiều bảo, nhờ mạng xã hội mà anh rất tự tin và thuận lợi trong việc bán sản phẩm của gia đình. Hiện nay, mỗi năm trang trại anh xuất bán từ 200 đến 250 con dúi giống và thương phẩm.
Phát triển hạ tầng số
Ngày 15/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang năm 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện Nghị quyết, huyện Hàm Yên nhanh chóng xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của huyện và các tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn. Đồng chí Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, huyện thực hiện chuyển đổi số với 3 nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số. Thời gian qua, huyện đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng Internet, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành; hệ thống thông tin báo cáo; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Đồng thời, 100% xã, thị trấn đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thị trấn và 283 thôn, tổ dân phố. Các thành viên tổ công nghệ số được tham gia cập nhật, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các nền tảng số. Từ đó, hướng dẫn người dân về các vấn đề liên quan công nghệ số, theo cách đi từng ngõ, gõ từng nhà, trực tiếp hướng dẫn từng người dân theo cách “cầm tay chỉ dẫn”, giúp người dân dễ bắt nhịp hơn.
Thôn Xít Xa hiện có 97 hộ với 405 khẩu, trong đó, dân tộc Dao chiếm tới 98%. Anh Trần Văn Xuân, Trưởng thôn Xít Xa, xã Minh Khương, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Xít Xa cho biết, để giúp người dân cùng thay đổi, bắt nhịp xu hướng số, anh đã cùng với các thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng thôn hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm để tra cứu lịch sử tiêm chủng Covid-19, phần mềm của Bảo hiểm xã hội; theo dõi tin tức về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên trang thông tin điện tử của địa phương; tuyên truyền cho bà con hiểu về lợi ích từ việc thanh toán tiền điện, tiền nước trên điện thoại; quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương trên các sàn thương mại điện tử để bán hàng được nhiều hơn... Từ đó, giúp người dân từng bước tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.
Với vai trò là nhà cung cấp hàng đầu về viễn thông, công nghệ thông tin, VNPT Hàm Yên đã tập trung đầu tư về công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cho huyện Hàm Yên. Ông Trần Hải Dương, Giám đốc Phòng bán hàng VNPT Hàm Yên cho biết, để đồng hành chuyển đổi số cùng với huyện Hàm Yên, VNPT Hàm Yên đang tham mưu trên 20 giải pháp và triển khai trên 100 phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhân dân, doanh nghiệp tại Hàm Yên. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử, biên lai điện tử; mạng truyền số liệu chuyên dùng liên thông 4 cấp ứng dụng cho hệ thống quản lý văn bản và điều hành; nâng cấp hạ tầng mạng truyền số liệu cho hệ thống kết nối mạng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng các điểm kết nối dữ liệu, phục vụ khai báo dữ liệu dân cư... VNPT Hàm Yên phấn đấu đến năm 2025, địa bàn Hàm Yên đạt tỷ lệ chuyển đổi số hoàn thiện 100%.
Để chuyển đổi số đạt hiệu quả cao, thời gian tới, huyện Hàm Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng cho người dân trong việc ứng dụng công nghệ số trong đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, ở các thôn, xã khó khăn, cần sự vào cuộc của chính quyền, người dân, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, để chuyển đổi số ngày càng hoàn thiện, phục vụ thiết thực lợi ích cho người dân địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết