Những chuyển biến sâu sắc

- Nhân hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án số 16-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Báo Tuyên Quang thực hiện chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Đề án 16, phản ánh nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát với thực tiễn của cấp uỷ các cấp, nhất là cấp uỷ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án số 16 và Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo sự chuyển biến sâu sắc về chất lượng, nội dung, phương pháp sinh hoạt chi bộ. Kết quả của sự chuyển biến này đã khẳng định tinh thần quyết tâm cao của Đảng bộ tỉnh nhằm đổi mới toàn diện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên.

 Đồng chí Ma Thế Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh làm việc với Đảng ủy xã Hào Phú (Sơn Dương). Ảnh: CTV    

Đổi mới cả về nhận thức và hành động

Ngay sau khi Đề án được ban hành, các cấp ủy đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, trong đó thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Mỗi cấp ủy đều xác định rõ mục tiêu, giải pháp, lộ trình thực hiện. Đồng thời phân công cấp ủy viên, chuyên viên các ban Đảng, văn phòng cấp ủy phụ trách, theo dõi dự sinh hoạt tại các chi bộ. Việc thực hiện các quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân công cấp ủy viên và trách nhiệm của công chức dự sinh hoạt chi bộ được thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2020 đến hết tháng 12-2022 đã có 600 lượt cán bộ, công chức cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy tỉnh dự sinh hoạt chi bộ. Qua dự sinh hoạt chi bộ đã kịp thời nắm chắc tình hình, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; phát hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc ngay từ cơ sở, hướng dẫn chi ủy, đồng chí bí thư chi bộ về công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề đúng quy định, nền nếp. Hàng quý, cấp ủy tỉnh, huyện đã xem xét, cho ý kiến về báo cáo tổng hợp kết quả việc dự sinh hoạt chi bộ và đi cơ sở của cấp ủy viên để chỉ đạo giải quyết hiệu quả, kịp thời.

Đồng chí Mai Đức Thông, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh dự sinh hoạt Chi bộ định kỳ với các đảng viên chi bộ thôn Làng Chùa, xã Tân Thanh (Sơn Dương). Ảnh: Ngọc Hưng

Bên cạnh đó, các cấp ủy trong tỉnh đã quan tâm lựa chọn, giới thiệu những người có phẩm chất, đạo đức tốt, có trình độ, năng lực, uy tín, có khả năng quy tụ, đoàn kết, tập hợp cán bộ, đảng viên, nhân dân để bầu làm bí thư, phó bí thư chi bộ. Hiện nay, số bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có trình độ học vấn THPT chiếm hơn 80%, được đào tạo lý luận chính trị chiếm trên 96%, được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chiếm trên 60%. Đến nay, trong tổng số 1.733 bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố có 866 đồng chí đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, chiếm 50%, có 124 đồng chí đồng thời là Trưởng ban Công tác Mặt trận, chiếm trên 7%. Ở những thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để giúp đỡ và củng cố các chi bộ còn hạn chế về công tác chuẩn bị nội dung, điều hành, các cấp ủy cơ sở đã bố trí cán bộ, công chức cấp xã sinh hoạt tại chi bộ và làm phó bí thư chi bộ, có 101 đồng chí, chiếm 5,83%.

Những chuyển biến về chất

Đề án 16 đã mang lại những chuyển biến thực sự về chất trong sinh hoạt chi bộ. Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo đã được triển khai và nhân rộng. Ý thức, trách nhiệm của đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ được nâng lên. Tỷ lệ trung bình đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ từ năm 2020 đến hết năm 2022 đạt 90,48%. Tỷ lệ chi bộ thực hiện đúng quy định về sinh hoạt chi bộ thường kỳ đạt trên 95%. Tỷ lệ chi bộ thực hiện đúng quy định về sinh hoạt chi bộ chuyên đề trên 90%. Trong sinh hoạt chi bộ, từng cá nhân đã thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn, luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thảo luận sôi nổi, phát huy trí tuệ tập thể, đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên. Qua đó thể hiện tính giáo dục, tính lãnh đạo, tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng.

Chi bộ thôn Ninh Tuyên, xã Thái Hòa (Hàm Yên) duy trì sinh hoạt định kỳ nền nếp. Ảnh: Lý Thịnh

Trong công tác phát triển đảng viên gắn với nâng cao chất lượng đảng viên mới, các cấp ủy đã coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Tỷ lệ nữ, dân tộc thiểu số, học sinh và trình độ học vấn, chuyên môn của đảng viên mới được kết nạp đều tăng. Năm 2022, tỷ lệ đảng viên nữ được kết nạp tăng 4,19%, tỷ lệ đảng viên người dân tộc thiểu số được kết nạp tăng 4,23%; đảng viên là học sinh, sinh viên được kết nạp tăng 2,28%; trình độ đại học, cao đẳng tăng 3,51% so với năm 2019. Công tác kiểm tra, giám sát được các cấp ủy ngày càng chú trọng. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm lãnh đạo đổi mới cả về nội dung và hình thức.

Nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt

Sau 3 năm triển khai, nhìn lại việc thực hiện Đề án số 16 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số mục tiêu cơ bản của Đề án vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra như: tỷ lệ chi bộ thực hiện đúng quy định về sinh hoạt thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ ở loại hình thôn, tổ dân phố, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa cao. Việc tự đánh giá, xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ thường kỳ ở một số chi bộ còn chưa sát thực tế. Trong sinh hoạt, một số chi bộ thực hiện chưa tốt nội dung đánh giá việc đảng viên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; việc thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương…

Các đảng viên Chi bộ 2, Đảng bộ phường An Tường (TP Tuyên Quang) nghiên cứu
Bản tin Thông báo nội bộ trong buổi sinh hoạt chi bộ.

Theo đồng chí Đỗ Hùng Đức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Sơn, thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ Đề án số 16 đã chỉ ra phải luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, trong đó cần thực hiện tốt việc chấp hành chế độ sinh hoạt và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là tiêu chí đánh giá, xếp loại chi bộ, đảng viên hàng năm.

Báo cáo đánh giá sơ kết 3 năm việc triển khai thực hiện Đề án số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nêu rõ giải pháp trong thời gian tới đó là cần tiếp tục triển khai đồng bộ, sâu rộng Đề án 16, trong đó đặc biệt chú trọng giải pháp nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ, Vì đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ở đâu, cấp ủy, bí thư chi bộ quan tâm thì ở đó chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, các cấp ủy cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp sau Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án đảm bảo phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương để những cách làm hay, sáng tạo ngày càng được nhân rộng và những hạn chế sớm được khắc phục, đảm bảo Đề án tiếp tục được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương

Phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp dự sinh hoạt các chi bộ

Sau 3 năm thực hiện Đề án số 16, chất lượng sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ huyện Sơn Dương ngày càng được nâng lên và đi vào nền nếp, khẳng định được vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ ở cơ sở. Năm 2022, Đảng bộ có 11 chi bộ, đảng bộ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 1.082 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tăng 1,19% so với năm 2021; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt định kỳ tăng, bình quân trên 90%...

Để đạt được kết quả đó, cấp ủy huyện đã nghiên cứu và nắm chắc nội dung Đề án số 16; chỉ đạo quán triệt, triển khai đầy đủ đến cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đặc biệt chú trọng phân công các đồng chí cấp ủy huyện, trưởng, phó, chuyên viên các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc các tổ chức chính trị - xã hội huyện hàng tháng trực tiếp về dự sinh hoạt và hướng dẫn các chi bộ. Hàng tháng, qua tổng hợp báo cáo kết quả dự sinh hoạt, kịp thời chỉ đạo giải quyết những đề xuất kiến nghị trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Hàng quý, tại hội nghị của BCH Đảng bộ huyện đã đánh giá nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Đề án số 16. Đồng thời, đánh giá việc dự sinh hoạt của các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ huyện được phân công dự sinh hoạt tại các chi bộ, đảng bộ được phân công.


Thiếu tá Lê Mạnh Cường
Phó Chánh Văn Phòng Đảng ủy Công an tỉnh

Nhân rộng mô hình “Sinh hoạt chi bộ kiểu mẫu”

Đảng ủy Công an tỉnh đã chỉ đạo cơ quan tham mưu xây dựng, biên soạn bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng về tổ chức sinh hoạt chi bộ, coi đây là cẩm nang kiến thức phục vụ công tác tổ chức sinh hoạt chi bộ trong lực lượng. Đồng thời, ban hành kế hoạch về nhân rộng mô hình “Sinh hoạt chi bộ kiểu mẫu” tại các đảng bộ cơ sở. Trong đó, yêu cầu mỗi đảng ủy cơ sở trực thuộc Đảng bộ Công an tỉnh lựa chọn, xây dựng mô hình “Sinh hoạt chi bộ kiểu mẫu”. 

Tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng năm 2022, Đảng ủy Công an tỉnh đã lựa chọn 1 chi bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ làm mẫu để tổ chức trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình “Sinh hoạt kiểu mẫu” trong toàn Đảng bộ. Quá trình triển khai tổ chức mô hình được thực hiện nghiêm túc, bài bản, trên cơ sở đó chủ động đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát huy giá trị mô hình, đưa việc sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp, bảo đảm đúng, đủ nội dung tiêu chí đề ra.


Đồng chí Trần Công Nguyên
Bí thư Đảng ủy thị trấn Lăng Can (Lâm Bình)

Thực hiện tốt nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng

Từ việc phân công cấp ủy viên và cán bộ, công chức cấp xã về sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc Đảng bộ thị trấn Lăng Can (Lâm Bình), trong 2 năm qua chất lượng sinh hoạt chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các chi bộ đều xây dựng lịch sinh hoạt, duy trì sinh hoạt nền nếp; thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; ý thức tự phê bình và phê bình trong Đảng được phát huy; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt tăng lên... Đặc biệt có chi bộ đảng viên thường xuyên tham gia sinh hoạt đạt tỷ lệ 100%.

Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy viên và công chức xã sinh hoạt tại các chi bộ thời gian tới, Đảng bộ thị trấn Lăng Can tiếp tục giữ mối liên hệ chặt chẽ với các đồng chí bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, khó khăn vướng mắc từ chi bộ để kịp thời lãnh đạo giải quyết.


Ông Phạm Tiến Quyền
Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Trung Môn (Yên Sơn)  

Nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết của chi bộ

Chi bộ thôn 8, Đảng bộ xã Trung Môn (Yên Sơn) có 41 đảng viên, trong đó 2 đảng viên là công chức xã, 26 đảng viên là cán bộ hưu trí, 3 đảng viên là lao động tự do, 10 đảng viên được miễn sinh hoạt. Xác định rõ tầm quan trọng của việc ban hành nghị quyết, BCH Chi bộ đã thống nhất trong cấp ủy dự thảo nghị quyết và chuẩn bị các ý kiến, các giải trình để trao đổi với các đảng viên. Trong mỗi kỳ họp, Chi bộ thôn 8 cũng luôn bám sát thực tế, nắm chắc tình hình, chỉ đạo của cấp trên để chọn những nội dung, những vấn đề trọng tâm cần phải lãnh đạo thực hiện, đồng thời phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tập trung, phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của tất cả đảng viên. Chi bộ cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết. Xây dựng nghị quyết trên cơ sở thực tế nên các nghị quyết của chi bộ đã phát huy hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng trên địa bàn.


Đồng chí Hoàng Anh Tuấn
Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Na Hang

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trong những năm qua, Chi bộ trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Na Hang luôn bám sát kế hoạch của cấp trên đề ra nhiều giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đảng viên tại chi bộ. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, kịp thời triển khai, quán triệt chuyên đề hàng năm, cụ thể hóa nội dung học tập và làm theo từ cấp ủy, người đứng đầu tới từng cán bộ, đảng viên trong chi bộ và quần chúng trong cơ quan, đơn vị, từ đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; nâng cao chất lượng, trình độ mỗi đảng viên và là cơ sở, môi trường để phát huy dân chủ trong Đảng.

Chi bộ thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên học tập các chuyên đề theo kế hoạch của cấp trên. Sau nghiên cứu, học tập các chuyên đề tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên viết bài thu hoạch liên hệ thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và đăng ký “Việc làm theo”, thực hiện “Một việc làm tốt” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ chuyên môn của mỗi cá nhân. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa ra khắp toàn trường, tạo không khí thi đua trong cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục