Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi Trần Thị Hồng hỏi thăm tình hình sức khỏe bệnh nhân nhi đang điều trị tại khoa.
Có mặt tại Trung tâm Cấp cứu 115, chứng kiến công việc của các điều dưỡng mới thấu hiểu nỗi vất vả của họ. Tiếp nhận một cụ ông được người thân đưa vào khoa trong tình trạng co giật, khó thở, các điều dưỡng đã nhanh chóng tiến hành sơ cấp cứu. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định, họ lại chia nhau người làm thủ tục, hồ sơ bệnh án, người cung cấp thông tin về bệnh nhân cho bác sỹ thăm khám, người tiếp nhận và lo cho bệnh nhân mới.
Điều dưỡng Đỗ Sơn Bắc, Trung tâm Cấp cứu 115 chia sẻ, làm việc tại nơi thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh nặng nên với anh mỗi bệnh nhân khi được đưa vào cấp cứu qua được cơn nguy kịch và được cứu sống là niềm vui lớn nhất.
Anh Bắc nhớ lại, vào một ngày cuối năm 2022, trên đường về quê ở Hàm Yên, khi đến km 11 đường Tuyên Quang - Hà Nội, anh thấy có một người phụ nữ bế cháu nhỏ chạy ra đường kêu cứu, chưa hiểu việc gì xảy ra anh dừng xe xuống hỏi, người nhà cháu bé hoảng hốt nói không rõ. Ngay sau đó anh bế cháu bé từ tay người nhà, rồi bế úp cháu xuống, vỗ vào lưng, sau đó bế ngửa cháu ra, lúc này máu trong mũi của cháu chảy ra, nhiều người thấy vậy liền tỏ thái độ ko hài lòng và không muốn anh sơ cứu. Anh vẫn giữ chặt cháu bé trong tay và nói: "Tôi là cán bộ y tế". 5 phút sau anh đã lấy được một hạt táo ở trong mũi cháu bé.
Những điều dưỡng Trung tâm cấp cứu 115 hỗ trợ bác sỹ cấp cứu bệnh nhân.
Anh Bắc cũng cho biết, việc bị hóc dị vật đường thở nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời. "Càng gắn bó với nghề anh càng thêm yêu nghề, đam mê với nghề và mong muốn đem tâm sức của mình cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho mọi người" - anh Bắc nói. Vừa dứt lời, anh Bắc cùng đồng nghiệp tiếp tục nhận được lệnh hỗ trợ tiếp nhận ca bệnh là bệnh nhân nam bị tai nạn giao thông, bệnh nhân trong tình trạng rất nặng.
Chia tay anh Bắc, chúng tôi đến khoa Nhi, nơi Phó Trưởng phòng Điều dưỡng, Điều dưỡng trưởng khoa Nhi, chị Trần Thị Hồng đang làm việc. Đã có 15 gắn bó với nghề điều dưỡng, chị Hồng chia sẻ: Ngoài việc tham mưu cho Ban Giám đốc Bệnh viện các kế hoạch hoạt động, ban hành các quy định, quy trình kỹ thuật chuyên môn chăm sóc người bệnh; tổ chức các khóa đào tạo liên tục, sinh hoạt chuyên môn cập nhật kiến thức chăm sóc người bệnh cho điều dưỡng, kỹ thuật viên; phối hợp với các khoa phòng tổ chức các hội nghị khoa học, hội thảo chia sẻ và nâng cao năng lực chuyên môn thực hành chăm sóc người bệnh… chị còn làm nhiệm vụ của một điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nhi.
Điều Dưỡng Đỗ Sơn Bắc (bên phải), Trung tâm Cấp cứu 115, cấp cứu cho bệnh nhân bị rắn cắn.
Theo chị Hồng, nghề điều dưỡng tuy rất vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui vì là người chăm sóc cho bệnh nhân, đặc biệt khi cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. "Tôi thấy rất vui sau những giờ làm việc vất vả, được nhìn thấy sự hồn nhiên của trẻ thơ và nụ cười hạnh phúc của cha mẹ trẻ an tâm vì con họ đã khoẻ mạnh, những lời cảm ơn từ họ làm tôi thấy ấm lòng”, chị Hồng chia sẻ.
Bác sỹ chuyên khoa I Đặng Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương nhận xét, điều dưỡng là những người có vai trò rất quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Bởi bác sỹ khám bệnh cần phải có điều dưỡng phụ trợ. Khi bác sỹ khám cho bệnh nhân xong, chẩn đoán, ra y lệnh, điều dưỡng chính là người thực hiện y lệnh của bác sỹ đối với bệnh nhân như: phát thuốc, truyền dịch, thực hiện các thủ thuật… Sau đó, điều dưỡng trực tiếp theo dõi xuyên suốt quá trình điều trị tại bệnh viện, chăm sóc cho bệnh nhân.
Hiện Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương có 320 điều dưỡng nhưng thường xuyên phải tiếp nhận khoảng 600-650 bệnh nhân đến khám và 350 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày. Nhọc nhằn, áp lực là vậy nhưng với tình yêu nghề, họ luôn tận tình chăm sóc người bệnh bằng cả tấm lòng.
Gửi phản hồi
In bài viết