Năm 2023, cả nước hoàn thành thêm 475 km đường cao tốc, đưa tổng số chiều dài đường cao tốc được khai thác lên 1.892 km.
Bên cạnh đó, sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của tập thể lãnh đạo, người lao động trong ngành cũng góp phần hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, năm 2023 thật sự có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Cả nước đã hoàn thành thêm chín dự án thành phần đường bộ cao tốc bắc-nam với chiều dài 475 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km.
Cùng sẻ chia, vượt khó
Suy ngẫm về năm 2023 và quãng thời gian ba năm kể từ khi triển khai thi công dự án cao tốc bắc-nam (giai đoạn I), ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Định An không khỏi ưu tư khi mảng giao thông của đơn vị ghi nhận mức lỗ khoảng 300 tỷ đồng. Ngay sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng, mới hồi phục thi công, các nhà thầu lại phải hứng chịu cảnh khan hiếm, “bão giá” vật liệu kéo dài.
Chính sách hỗ trợ giá cho nhà thầu về sau này cũng chỉ đủ bù đắp khoảng 10% giá trị thực tế. Những thiệt hại của các nhà thầu giao thông nói chung và Định An nói riêng không phải do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước hay nhà thầu tính toán sai, mà hầu hết do ảnh hưởng từ yếu tố khách quan như xung đột địa chính trị trên thế giới, biến động giá vật tư vật liệu,...
Dù doanh thu, lợi nhuận không như kỳ vọng, song khi điểm lại các phần việc, khối lượng hạng mục công trình của đơn vị đảm nhận vừa qua, nét mặt vị Chủ tịch Tập đoàn Định An đã nhanh chóng trở lại vẻ tươi vui, lạc quan. Theo đó, Định An đã gắng gỏi bằng toàn bộ sức lực của mình, đưa khối lượng công việc đảm nhận tại dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ về đích trước một tháng so với kế hoạch đăng ký với chủ đầu tư; hoàn thành sáu công trình cầu tại dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 trước ngày 31/12/2023...
“Tuy rơi vào cảnh thua lỗ, song điều đáng mừng nhất là Định An vẫn đưa phần việc đảm trách của mình hoàn thành theo đúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải. Trước đó, với khó khăn chồng chất tại các dự án, ngay cả những người dù lạc quan đến mấy cũng không dám tin chúng tôi hoàn thành đạt và vượt mức kế hoạch”, ông Cao Đăng Hoạt chia sẻ.
Nhiều năm gắn bó với ngành giao thông, ấn tượng của Chủ tịch Tập đoàn Định An còn là sự “chia lửa”, tương trợ nhau giữa các nhà thầu, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình cho mục tiêu chung. Tại dự án cầu Mỹ Thuận 2, trong quá trình triển khai, nối tiếp hạng mục đường dẫn do Định An thi công và cầu chính do Trung Nam đảm trách có một đoạn đúc hẫng, tuy khối lượng không lớn, song đòi hỏi kỹ thuật khá phức tạp.
Để đáp ứng tiến độ hợp long đường dẫn và cầu chính vào khoảng tháng 8, 9/2023, ngay sau khi hoàn thiện trụ chính, nhà thầu Trung Nam đã bố trí thiết bị, giúp Định An thi công đoạn đúc hẫng, mặc dù lúc đó hai đơn vị chưa kịp ký hợp đồng thỏa thuận. Hoặc dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ, khi hoàn thành phần việc của mình, với sự kêu gọi của chủ đầu tư, Định An lập tức hỗ trợ 15 xe lu (cả lái máy), cùng 10 ô-tô tải lớn để nhà thầu tăng tốc tiến độ.
Sự chia sẻ, tương trợ nhau giữa các nhà thầu chính là yếu tố cốt lõi để hầu hết các dự án cao tốc chạy đua, tăng tốc với thời gian, kịp về đích trong năm 2023, bảo đảm tiến độ thông xe theo yêu cầu. Tinh thần sẻ chia, cùng nhau vượt khó trong thời điểm gian nan của nhà thầu được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải ví von là “cái bắt tay” đúng thời điểm.
Giải ngân gấp 1,7 lần năm 2022
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch giải ngân khoảng 71 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ giải ngân tới 94.161 tỷ đồng, vượt rất xa kế hoạch ban đầu và lớn nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021). Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, thách thức trong bối cảnh nhiều dự án mới được khởi công, công tác giải phóng mặt bằng tuy đi trước một bước nhưng chưa đáp ứng tiến độ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Bên cạnh đó, việc cung ứng nguyên vật liệu, nhất là nguồn cát đắp vô cùng gian nan; nội lực của các doanh nghiệp sau những biến cố của đại dịch Covid-19 và “bão giá” đã trở nên suy kiệt,...
Bộ Giao thông vận tải luôn xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành. Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận chỉ đạo, trong đó nhất quán mục tiêu phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất số vốn được giao, tối thiểu phải đạt 95% và tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát.
Bộ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng tiến độ giải ngân hằng tháng bám sát thực tế, kiện toàn bộ máy, bổ sung nhân sự phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý dự án, cá thể hóa trách nhiệm các chủ thể trong từng khâu, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình thanh toán, yêu cầu các nhà thầu thi công bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, tài chính, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, đồng thời làm việc trực tiếp với lãnh đạo địa phương để giải quyết vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân.
Để đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, cả nước hoàn thành, đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc và một số công trình trọng yếu khác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo trực tiếp từng dự án nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã định kỳ hằng tháng họp rà soát các vướng mắc phát sinh, nêu rõ trách nhiệm đối với từng bộ, ngành, địa phương.
“Do vậy, kết quả giải ngân hằng tháng của Bộ Giao thông vận tải luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước. Đến hết tháng 12/2023, Bộ giải ngân đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ kế hoạch, sẽ giải ngân đạt hơn 95%. Bộ cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm chất lượng, tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng. Trong đó, ban hành nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo các chủ thể tham gia, nhất là chủ đầu tư, tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm”, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Với vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình, được Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, qua đó giúp tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực trong đầu tư một số dự án trọng điểm.
Trước những khó khăn về nguồn cung vật liệu phục vụ các dự án trọng điểm, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập hai Tổ công tác, trực tiếp làm việc với các địa phương để xử lý theo thẩm quyền, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo bộ, ngành, địa phương có biện pháp cung cấp đủ vật liệu cho dự án, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, ép giá.
Bộ Giao thông vận tải đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ 5 quy hoạch ngành quốc gia, gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không. Đây là cơ sở, nền tảng hết sức quan trọng định hướng, xác định trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư, là cơ sở huy động, sử dụng hợp lý nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Ngoài ra, Bộ cũng phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia; hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ, khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ban hành cơ chế đột phá thu hút hiệu quả nguồn lực xã hội trong đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Gửi phản hồi
In bài viết