Những “đầu tàu” ở Thúc Thủy

- Về thôn Thúc Thủy, xã An Khang (TP Tuyên Quang) hôm nay, những ngôi nhà mái thái với khuôn viên rộng rãi, sạch đẹp nổi bật trên màu xanh ngắt của những bãi ngô, đồi cây. Đường làng đã có điện chiếu sáng. Đường nội đồng được thảm bê tông ra tận các chân ruộng. Phong trào nhảy dân vũ, bóng chuyền hơi phát triển sôi nổi... Tất cả là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân nơi đây.

Đảng viên nêu gương

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, thôn Thúc Thủy có 130 hộ, 475 nhân khẩu. Người dân ở thôn phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Còn lại số ít thì chăn nuôi. Thanh niên thì đi làm trong các khu công nghiệp, công ty của tỉnh. Cuộc sống mới chỉ đạt trung bình khá, xong người dân của thôn luôn chịu khó, chăm chỉ làm ăn và tham gia tích cực vào các phong trào, hoạt động của thôn.

Anh Tiến được bầu là bí thư chi bộ từ năm 2009. Lúc ấy, anh làm nghề lao động tự do, còn vợ làm ruộng. Trong chi bộ, anh gần như trẻ tuổi nhất. Xác định tuổi trẻ, được nhân dân tín nhiệm thì phải nêu gương, đi đầu trong mọi việc, có như vậy, khi mình nói, đảng viên, nhân dân mới nể, mới nghe. Muốn vận động nhân dân làm gì thì mình phải làm trước. Nghĩ vậy, anh bàn với vợ mở cửa hàng tạp hóa nho nhỏ trước cửa nhà để buôn bán, phục vụ các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu cho bà con. Quán mở ra được bà con ủng hộ nhiều. Vợ chồng anh có tiền chăm lo cho các con học hành thành đạt. Mỗi tháng vợ chồng anh có khoản thu nhập khoảng 10 triệu đồng.

Diện mạo thôn Thúc Thủy ngày càng tươi mới.

Hay như chị Trần Thị Oanh, Trưởng Ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng phụ nữ thôn cũng vậy. Mặc dù đã xấp xỉ tuổi 60 nhưng chị vẫn còn rất nhanh nhẹn trong công việc cấy cày. Tận dụng lợi thế về đất đai, vụ nào, chị cũng cấy gần 1 mẫu ruộng, trồng hơn 1 mẫu ngô. Chị chia sẻ, giờ làm ruộng đã đỡ vất hơn xưa. Chị thuê máy phay về làm đất, khi cấy xong thì thực hiện tốt các biện pháp phòng, ngừa sâu bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cấy nên sản lượng lúa, ngô mỗi vụ thu hoạch đều đạt năng suất cao. Trung bình mỗi vụ, từ tiền bán lúa, ngô chị thu được khoảng 35 triệu đồng...

Không chỉ nêu gương trong phát triển kinh tế, anh Tiến và chị Oanh còn năng nổ, đi đầu khi triển khai mọi công việc của thôn như: tham gia cùng bà con vệ sinh đường làng, ngõ xóm; “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động thu tiền làm đường bê tông, làm cống rãnh thoát nước, vận động nhân dân ủng hộ kinh phí làm mô hình trung thu... Với chủ trương hợp lòng dân và cách tuyên truyền, vận động khéo léo, triển khai minh bạch của cán bộ thôn, từ năm 2020 đến nay, chi bộ thôn đã đăng ký và hoàn thành 3 việc làm tốt theo Bác.

Năm 2020, chi bộ vận động nhân dân ủng hộ được 47 triệu đồng làm 1,5 km đường điện thắp sáng của thôn; xây dựng 1 CLB bóng chuyền hơi và nhóm nhảy dân vũ; được công nhận thôn “Năm không”. Năm 2021, vận động nhân dân đóng góp trên 75 triệu đồng và 35 ngày công để lắp đặt 233 m cống rãnh thoát nước khu dân cư. Năm 2022, vận động nhân dân xây dựng thôn có cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ thôn xanh sạch; vận động nhân dân ủng hộ trên 97 triệu đồng để làm 1 mô hình Trung thu để dự thi cấp cụm và hỗ trợ 35 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho 1 hộ nghèo.

Nhân dân thi đua phát triển kinh tế

Nắm bắt được chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế rừng, nhiều năm qua, gia đình chị Phạm Thị Kiều Nga vẫn miệt mài gắn bó dưới những tán keo. Dẫn chúng tôi đi thăm đồi keo đang vào kỳ khép tán, chị Nga chia sẻ, gia đình chị hiện đang trồng 7 ha keo. Từ trồng keo bán gỗ, gia đình chị đã có cuộc sống khá giả. Chỉ tính riêng năm ngoái, chị khai thác gần 1 ha keo, thu về 86 triệu đồng.

Không riêng gì gia đình chị Nga, gia đình chị Trần Thị Thảo cũng “phất” lên nhờ nuôi ong lấy mật và trồng nhãn. Dẫn chúng tôi tham quan vườn nhãn rộng 1,5 mẫu, với 220 cây nhãn sai trĩu quả, chị Thảo vừa kể, khu soi bãi này trước kia trồng ngô nhưng năng suất không cao, được cán bộ thôn tuyên truyền, vận động, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng nhãn. Qua 8 năm, cây nhãn không phụ công người chăm, năm nào cũng cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng.

Cán bộ thôn tham quan vườn nhãn của gia đình chị Trần Thị Thảo (ở giữa).

Trồng nhãn là phụ, nuôi ong lấy mật mới đem lại thu nhập chính cho gia đình chị. Hiện con trai chị đang nuôi gần 200 đàn ong và di chuyển đàn theo các mùa hoa ở nhiều nơi tại tỉnh và tỉnh Hà Giang. Trung bình mỗi năm bán khoảng 1.000 lít mật ong bạc hà, mật nhãn và mật hoa cỏ kim, với giá bán từ 200 - 250 nghìn đồng/lít. Đồng thời, gia đình chị tự sản xuất các đõ nuôi ong để dùng và bán cho người có nhu cầu, với giá 170 nghìn đồng/đõ. 

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Thúc Thủy khoe, không chỉ gắn bó với các mô hình kinh tế truyền thống, trên địa bàn thôn giờ đã có một số hộ mạnh dạn nuôi các con đặc sản như: nuôi hươu sao, nuôi rắn. Gia đình anh Vũ Văn Khoa là một trong số đó. Anh Khoa chia sẻ, anh làm nghề lái xe. Nhà anh có vài sào đất trồng nhãn, trồng ngô và lúa. Qua anh em, bạn bè giới thiệu về mô hình nuôi hươu, anh thích lắm. Muốn có “của ăn của để” nên anh đầu tư nuôi thêm hươu.

Từ 2 con hươu ban đầu, đến nay anh đã có 7 hươu cái và 2 hươu đực. Nuôi hươu khá dễ, không mất nhiều công chăm sóc, thức ăn cho hươu hầu hết đều có sẵn ở vườn nhà nên không mất nhiều chi phí. Mỗi năm từ bán hươu giống và nhung hươu anh thu lãi trên 70 triệu đồng. Kinh tế khá giả nên khi thôn có vận động đóng góp gì, anh Khoa sẵn sàng đóng góp ngay, thậm chí đóng nhiều hơn. Nhất là trong dịp Tết Trung thu năm 2022, anh ủng hộ tiền dầu, ủng hộ công lái xe mô hình, đưa các cháu thiếu nhi của thôn lên thành phố tham gia Lễ hội Thành Tuyên.

Nhờ những cán bộ tận tụy, trách nhiệm và gương mẫu của thôn và tinh thần đoàn kết và đồng thuận của nhân dân, thôn Thúc Thủy đang từng ngày thay đổi diện mạo. Đời sống nhân dân không ngừng nâng lên. Hiện cả thôn chỉ có 3 hộ cận nghèo. Những kết quả của thôn Thúc Thủy đã góp phần tích cực để xã An Khang tiến dần về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Phóng sự: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục