Cồn Hến có hình dài theo hướng bắc - nam, gần như chính giữa dòng sông, trùng với đường phân thủy. Khởi nguồn chỉ là bãi đất bồi, qua thời gian, cồn Hến trở thành một hòn đảo với diện tích 26,4ha.
Sử sách không ghi chép cồn Hến xuất hiện trên sông Hương từ bao giờ. Theo một số tài liệu, ban đầu, cồn Hến có tên là “xứ cồn cạn” do hai khe nước ở giữa cồn bị bồi lấp, cạn dần; nhiều loài cá tôm đến đây sinh sống. Ban đêm, nhiều người tới đây đánh bắt, đèn đuốc soi sáng cả một vùng nên cồn được gọi là cồn Soi. Người dân tới đây quần cư, lập nên làng có tên là Bồi Thành. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765) xây dựng phủ chúa ở Phú Xuân, ông Huỳnh Tương (người xã Diên Đại, huyện Phú Vang) được coi là người đầu tiên đến dựng chòi định cư và làm nghề cào hến. Đến đầu niên hiệu vua Gia Long (1802 - 1820), phường Giang Hến (xã Phú Xuân) ra đời trên “xứ cồn cạn”. Cái tên cồn Hến bắt đầu từ đó.
Khi vua Gia Long khởi dựng kinh thành Phú Xuân mới (1805), theo thuật phong thủy, cồn Hến được lựa chọn là yếu tố “Thanh Long” - nằm bên trái, trước kinh thành (cùng với cồn Dã Viên là yếu tố Bạch Hổ, nằm bên phải). Liên quan tới việc xây dựng kinh thành, 8 xã thuộc phạm vi quy hoạch đã phải di dời nên cồn Hến là nơi tái định cư của dân xã Phú Xuân. Từ đó, cộng đồng dân cư cồn Hến đông thêm, “xứ cồn cạn” này trở thành một đảo nhỏ trù phú. Cồn Hến hiện có khoảng 700 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu, nằm trên địa bàn phường Vỹ Dạ (thành phố Huế).
Trong một thời gian dài, cào và chế biến hến là nghề chính của cư dân cồn Hến nhưng nay nghề đang mai một dần. Nạn khai thác cát trái phép đã làm ảnh hưởng đến địa chất, thủy văn và môi sinh… khiến cho hến cùng nhiều loài thủy sinh dần thưa vắng rồi cạn kiệt. Một số gia đình giữ nghề phải đi mua gom hến từ nhiều nơi khác, có khi rất xa.
Cồn Hến cũng nổi tiếng bởi bắp (ngô) ngon. Ngô trồng ở đất cồn ngon hơn ngô nơi khác ở Huế. Cồn Hến là một “đảo ẩm thực” với các món đặc sản liên quan đến hến, tiêu biểu là cơm hến, chè bắp cùng các loại bánh.
Gửi phản hồi
In bài viết