Quang cảnh một phiên họp Hạ viện Mỹ tại Washington, DC. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cuối tuần qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu xã hội, do Tổng thống Joe Biden đề xuất. Với tên gọi “Đạo luật xây dựng lại tốt hơn”, gói ngân sách trị giá 1.800 tỷ USD này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giáo dục, y tế, chăm sóc trẻ em và khí hậu. Là bước đi quan trọng của chính quyền Tổng thống Biden. Hiện, dự luật đã được gửi lên Thượng viện để thảo luận và bỏ phiếu. Chưa rõ “số phận” của văn kiện này sẽ ra sao nhưng nó vẫn thể hiện mối quan tâm của chính quyền đối với các vấn đề xã hội và “thắp lên hy vọng” về một tương lai công bằng hơn, bền vững hơn cho nước Mỹ sau đại dịch Covid-19.
Tại nhiều quốc gia khác, an sinh xã hội cũng trở thành những “điểm nóng” ở nghị trường và là một trọng tâm trong chương trình phục hồi kinh tế. Ở châu Âu, Chính phủ Pháp chi hơn 130 tỷ euro, tương đương gần 6% tổng sản phẩm quốc nội, để hỗ trợ các gia đình. Trong khi đó, Chính phủ Italia đã thông qua gói cứu trợ trị giá 32 tỷ euro hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong đó 8 tỷ euro dành cho an sinh xã hội, bao gồm trợ cấp lao động thất nghiệp.
Các quốc gia châu Á cũng dành những khoản ngân sách lớn cho hỗ trợ phục hồi kinh tế và thu hẹp khoảng cách thu nhập do đại dịch Covid-19. Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết ngân sách năm 2022 được đề xuất ở mức 604,4 nghìn tỷ won (tương đương 520 tỷ USD), tăng 8,3% so với ngân sách năm 2021. Theo đó, ngân sách cho y tế, phúc lợi, việc làm là 216,7 nghìn tỷ won, với 83,5 nghìn tỷ won dành cho thu hẹp khoảng cách thu nhập và xã hội. Tại Indonesia, mới đây, chính phủ đã bổ sung thêm 682.800 tỷ rupiah (tương đương 47,4 tỷ USD) dành cho ngân sách y tế và bảo trợ xã hội trong dự thảo ngân sách nhà nước năm 2022.
Các gói ngân sách nêu trên được đề xuất, thực hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng và còn diễn biến phức tạp. Quỹ tiền tệ quốc tế mới đây đã cảnh báo đại dịch Covid-19 “làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn tồn tại từ lâu trên thế giới”. Trên thực tế, dịch bệnh đã phơi bày tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và khả năng tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản như chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng tại các nước trên thế giới. Bởi vậy, cùng với các gói kích cầu kinh tế, những khoản chi cho an sinh xã hội nêu trên rất cần được đặt vào trọng tâm của chương trình phục hồi phát triển tại các quốc gia trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Gửi phản hồi
In bài viết