Những kỷ vật trao gửi "Ký ức và Niềm tin"

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức khai mạc triển lãm “Ký ức và Niềm tin", trưng bày gần 200 hiện vật lịch sử giúp công chúng cảm nhận sâu sắc hơn về quá khứ đấu tranh gian khổ mà oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu và khách tham quan lắng nghe thuyết minh về các kỷ vật chiến tranh.

Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024), gồm 3 hoạt động chính: Tọa đàm “Có một thời như thế”; Lễ tiếp nhận kỷ vật chiến tranh và khai mạc Triển lãm “Ký ức và Niềm tin”.

Tại cuộc tọa đàm, trong số 4 khách mời có 3 người từng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đó là bà Hoàng Thị Kim Vinh, cựu thanh niên xung phong Đại đội 812, Đội Thanh niên xung phong Thủ đô N43, Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Tiến Lịch, nguyên Chính trị viên Đại đội 2, D530, Trung đoàn 5, Đoàn Dũng sĩ Cát Bi; bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hiền Lê.

Vị khách thứ 4 là ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT - con trai của Thiếu tướng Hoàng Đan, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng.

Ký ức về một thời tuổi trẻ nhiệt huyết, những câu chuyện về lý tưởng cách mạng, tinh thần vượt khó phụng sự Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh và thời bình... đã được các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong chia sẻ với khán giả một cách đầy xúc động. Tiếp nối truyền thống gia đình, trưởng thành trong hòa bình, thế hệ sau của họ kể tiếp câu chuyện lòng yêu nước và tự hào dân tộc bằng khát vọng và nỗ lực vươn lên học hành, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh.

Triển lãm “Ký ức và Niềm tin” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện từ những tài liệu, hiện vật quý giá đã được sưu tầm trong gần 20 năm qua. Đó là kết quả của những chuyến công tác trên khắp vùng miền Tổ quốc để gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện từ các nhân chứng lịch sử, và thân nhân của các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi chiến trường năm xưa.

Chất liệu chính trong triển lãm là những hình ảnh, hiện vật, câu chuyện và thước phim sống động về những ký ức hào hùng của dân tộc.

Qua gần 200 hình ảnh, hiện vật gốc trong đó có những kỷ vật tiêu biểu như: đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu; nhật ký của nữ bộ đội Trường Sơn về con đường ra trận và những năm tháng phục vụ trong quân ngũ; thư của người liệt sĩ gửi vợ đong đầy nỗi nhớ và niềm tin về ngày đoàn tụ hay chiếc kèn harmonica mà người chiến sĩ đã dùng thổi bài “Vì nhân dân quên mình” cạnh quả bom hẹn giờ để động viên tinh thần đồng đội… sẽ giúp người xem trả lời được câu hỏi vì sao đất nước Việt Nam nhỏ bé có thể chiến đấu và chiến thắng trước những kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự như vậy.

Triển lãm cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa “hậu phương” và “tiền tuyến”; qua đó gửi tới thế hệ trẻ ngày nay thông điệp hãy sống có ước mơ, hoài bão, niềm tin, hãy tiếp bước cha anh “Sống một đời đáng sống”.

Trong khuôn khổ triển lãm, công chúng còn được tham gia hoạt động trải nghiệm “Thư gửi người thân”, nơi mọi người có thể viết những dòng thư ý nghĩa, gửi gắm tình cảm chân thành đến những người thân yêu của mình qua những lá thư mang đậm phong cách “thời chiến”.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục