1. Chúng tôi gặp y sĩ Hà Đức Hoan khi trời chảng vảng tối. Ông đang cùng anh em ăn vội bát mỳ tôm để chuẩn bị vào ca trực. Trong ánh điện nhá nhem, chúng tôi dễ dàng nhận ra ông bởi mái tóc nhuốm màu thời gian, gương mặt có phần mệt mỏi, ánh mắt trùng xuống lộ rõ nhiều đêm không ngủ khiến cái tuổi xấp xỉ 60 của ông như đến nhanh hơn. Ông bảo, tính ra ông và anh em đã tròn một tháng cắm chốt. Lần cắm chốt này đặc biệt hơn lần trước vì đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Ai cũng phải gác lại việc gia đình, đón Tết tại chốt để làm nhiệm vụ chốt trực 24/24h.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hoàn đo thân nhiệt tại chốt kiểm dịch Mỹ Bằng, Yên Sơn.
Từ ngày thông xe cầu Đoan Hùng, lượng người và phương tiện tăng cao nên ông Hoan và thành viên của chốt Đội Bình dường như không có thời gian nghỉ. Lật dở cuốn nhật ký, ông Hoan cho biết, ngày cao điểm là mùng 5, 6 Tết khi mọi người bắt đầu đi làm trở lại, có tới trên 7.000 lượt phương tiện và hơn 14.000 lượt người qua chốt mỗi ngày. Có thời điểm, đoàn xe kéo dài cả cây số nên toàn bộ lực lượng canh chốt không có giây phút ngơi tay. Công việc ngập đầu đến mức các thành viên tổ kiểm soát chỉ nhận biết thời gian ngày đêm thông qua đèn chiếu sáng của các phương tiện.
Ông Hoan tâm sự, trong những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi, chứng kiến cảnh mọi người cầm vội chiếc điện thoại gọi cho người thân, người thì lau vội những giọt nước mắt, rồi tiếng trẻ con khóc vang lên trong điện thoại… khiến lòng ông se sắt. Những lúc vậy, ông đến vỗ vai từng người động viên, vẫn biết xa nhà, xa gia đình là thiệt thòi, nhưng so với nỗi đau của những người bị mất người thân do dịch bệnh thì sự hy sinh của chúng ta chẳng thấm tháp gì. Những lời động viên của ông trở thành động lực để anh em yên tâm canh chốt, vơi bớt nỗi nhớ gia đình và đến giờ ai cũng coi chốt là ngôi nhà thứ hai.
Hơn 40 năm công tác trong ngành, y sĩ Hoan còn nổi tiếng bởi sự tận tụy, trách nhiệm với từng bệnh nhân. Chẳng thế mà ông vẫn đùa với mọi người rằng, những người bạn thân của ông chính là những người nhiễm HIV/AIDS, những người nghiện ma túy. Bởi ông cùng đội ngũ y, bác sỹ đã giúp những bệnh nhân này vượt qua mặc cảm, tự ti, hòa nhập với cộng đồng, cùng sinh hoạt dưới mái nhà chung của các nhóm giáo dục đồng đẳng, các câu lạc bộ phòng, chống ma túy.
Ông Hoan bảo, thật khó có thể so sánh kỷ niệm với cuộc chiến chống Covid-19 sâu sắc hơn hay kỷ niệm với cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đáng nhớ hơn. Ông thấy mình may mắn bởi trong sự nghiệp của mình ông đã đóng góp một phần nhỏ trong việc tham gia vào hai cuộc chiến đầy gian nan này.
2. “Không được phép nói sợ” - đó là khẩu hiệu anh em canh chốt kiểm dịch tại Km71- Yên Lâm, Hàm Yên - địa phận giáp ranh với tỉnh Hà Giang luôn nêu cao. Bởi hiện nay Hà Giang là tỉnh có dịch Covid -19. Tuy nhiên, bản thân cán bộ canh chốt không sợ là một lẽ, nhưng để bà con không sợ thì đòi hỏi sự cố gắng của đội ngũ y, bác sỹ canh chốt tại đây. Bác sỹ Trần Đông Trung, tổ trưởng Tổ y tế chốt kiểm dịch tại Km 71 - Yên Lâm, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên chia sẻ, nơi đây phần lớn là bà con dân tộc thiểu số nên nhận thức về dịch bệnh đôi lúc còn chưa đầy đủ. Nhất là khi nghe tin Hà Giang có người bị nhiễm Covid -19 nhiều người tỏ ra hoang mang lo lắng. Ông và cán bộ canh chốt làm nhiệm vụ tại chốt đều kết hợp tuyên truyền vận động. Rằng bà con thực hiện nghiêm khẩu hiệu “5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” là có thể sống an toàn trong mùa dịch. Trong cái rủi có cái may, chính vì cái sự “sợ” này mà đến nay người dân nơi đây đều thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và hạn chế đi lại nếu không thực sự có việc cần thiết.
Y sĩ Hà Đức Hoan trao đổi công việc với thành viên trong ca trực tại chốt kiểm dịch Đội Bình.
Bác sỹ Trung tâm sự, canh chốt tại nơi giáp ranh với tỉnh có dịch nên anh em ai cũng phải gồng mình chống dịch. Có lúc thấy anh em mệt mỏi, ông gọi mọi người lại rồi bảo, mọi người nhìn đồi cam của bà con kia, hoa đã nở trắng rừng mà quả vẫn lúc lỉu trên cây. Cơ ngơi của cả gia đình họ đấy. Mất hàng tỷ bạc chứ ít gì. So với vất vả chúng ta có đáng gì đâu. Bà con ở đây không tiêu thụ được cam đồng nghĩa với việc không có Tết. Vậy chúng ta ăn Tết nơi đây cũng là cách chia sẻ khó khăn với bà con, để bà con hiểu rằng, việc canh chốt cũng chính là nhằm đẩy lùi dịch bệnh, để họ không có thêm những mùa cam ế ẩm như thế.
Ông Trung là vậy, luôn biết cách động viên, xốc lại tinh thần cho anh em theo lẽ hết sức tự nhiên. Cũng với cách này, ông đã thành công trong việc vận động bà con đưa trẻ đi tiêm chủng hay xóa bỏ hủ tục trong chữa bệnh. Ông nhớ lại, ngày mới ra trường, ông được phân công làm việc tại Trạm Y tế xã Hùng Đức - nơi có 3/4 đồng bào dân tộc Dao. Ngày đó, để vận động bà con đưa trẻ đi tiêm chủng định kỳ, hành trang ông và cán bộ ngành Y mang theo không chỉ là vắc xin mà còn là cân thịt, là rau xanh, là bánh kẹo. Trong bữa cơm ấm cúng cùng gia đình trưởng thôn hay người uy tín, ông mới phân tích về lợi ích của việc tiêm chủng, rồi vận động chính con cháu trong gia đình tiêm. Và mỗi cháu đến tiêm đều được chia quà là chiếc bánh, cái kẹo. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, con số tiêm chủng ban đầu ở Hùng Đức đến nay lên đến hơn 80%.
3. Hơn 15 năm công tác trong ngành Y, kỷ niệm sâu sắc với Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hoàn, Trưởng khoa Y tế công cộng và Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn chính là tình cảm nồng ấm của bà con trong 2 lần canh chốt kiểm dịch tại xã Mỹ Bằng - nơi giáp ranh với tỉnh Yên Bái. Ông Hoàn tâm sự, lần canh chốt trước, trong lúc khẩu trang y tế, nước sát khuẩn khan hiếm, có cụ bà 80 tuổi đã không quản khó khăn mang khẩu trang, nước sát khuẩn ủng hộ. Rồi trong dịp Tết vừa qua, nhiều gia đình đã mang bánh chưng, con gà, cân cam biếu tặng anh em canh chốt.
Ông Nguyễn Công Thao, thôn 15, xã Mỹ Bằng bày tỏ, sống gần nơi đóng chốt, chứng kiến cảnh cán bộ vất vả thâu đêm làm nhiệm vụ mà tôi thấy rất ái ngại. Đặc biệt, trong đêm 30 Tết, nhà nhà đều sum họp bên mâm cơm cuối năm thì dường như việc đón Tết với họ vẫn còn là xa xỉ khi xe cộ vẫn nườm nượp chạy qua, họ không ngơi tay với việc đo thân nhiệt, ghi biển số, phun thuốc khử khuẩn… Những phần quà bà con gửi biếu dẫu không xoa dịu nỗi cô đơn nhưng cũng mong làm ấm lòng họ trong ngày Tết xa nhà.
Tâm sự của đội ngũ y, bác sỹ như ông Hoan, ông Trung, ông Hoàn dẫu chưa có thể nói hết những khó khăn, vất vả của đội ngũ cán bộ y tế tại các chốt kiểm dịch nhưng phần nào giúp chúng ta thêm hiểu về những khó khăn họ đang trải qua trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid - 19. Họ chính là những “lá chắn thép” trong cuộc chiến “chống giặc Covid-19”, tiếp thêm cho chúng ta niềm tin, sức mạnh rằng, giặc Covid sẽ bị đẩy lùi và bình yên sớm trở lại.
Gửi phản hồi
In bài viết