“Nhặt sạn”
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 đã diễn ra thành công. Lần đầu tiên, thí sinh thực hiện toàn bộ quy trình xét tuyển theo hình thức trực tuyến, bắt đầu từ việc đăng ký dự thi, nộp lệ phí đến việc xác nhận nhập học. Tỷ lệ thí sinh nhập học đạt hơn 83% - cao nhất trong ba năm trở lại đây.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy, năm 2022, vẫn có tình trạng thí sinh chưa nắm vững quy chế. Có không ít thí sinh nhầm lẫn giữa các phương thức xét tuyển; khai nhầm đối tượng ưu tiên hoặc gửi thiếu minh chứng để xác định đối tượng ưu tiên...
Trường Trung học phổ thông Hoàng Long (quận Ba Đình) mời chuyên gia tư vấn tuyển sinh đại học năm 2023, giúp thí sinh yên tâm học tập và tham gia xét tuyển.
Một vấn đề khác cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập để tiếp tục có những giải pháp là việc tổ chức xét tuyển sớm. Năm 2022, có một số trường đã vi phạm quy chế gọi thí sinh nhập học khi các em chưa tốt nghiệp trung học phổ thông; không báo cáo kết quả xét tuyển sớm lên hệ thống chung... Những nhầm lẫn và sai sót cả chủ quan, khách quan trên đã tạo nên rắc rối đáng tiếc, gây thiệt thòi cho thí sinh và khiến các cơ sở đào tạo mất nhiều thời gian giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ xét tuyển chung trên toàn quốc.
Thống kê về tỷ lệ thí sinh nhập học ở các phương thức xét tuyển cũng cho thấy vấn đề cần quan tâm. Các nhà trường đã áp dụng gần 20 phương thức xét tuyển để tuyển sinh. Tuy nhiên, có tới hơn 85% số thí sinh nhập học theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét học bạ. Các phương thức còn lại chỉ có khoảng 1% số thí sinh nhập học. Thậm chí, có phương thức gần như không được thí sinh quan tâm như phỏng vấn; phỏng vấn kết hợp học bạ... Đây là thông tin mà thí sinh năm nay cần lưu ý để chủ động chọn lựa, quyết định phương án đăng ký xét tuyển phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.
Đăng ký theo ngành để tránh nhầm lẫn
Từ việc thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo đã thống nhất các nội dung cơ bản trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định: Công tác tuyển sinh năm nay cơ bản ổn định, chỉ điều chỉnh một số nội dung về kỹ thuật nhằm giúp thí sinh không bị nhầm lẫn trong quá trình đăng ký xét tuyển như năm trước. Điều chỉnh đáng chú ý nhất là thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo ngành, thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển như năm trước. Như vậy, dù các em sử dụng phương thức xét tuyển nào thì khi đăng ký vào ngành học mong muốn, các em có thể sử dụng bất cứ kết quả nào mình đang có để trúng tuyển vào ngành. Việc này sẽ giúp tránh được rất nhiều sai sót cho thí sinh.
Ngày 7-3, trước thông tin phản ánh có một số trường đã thông báo xét tuyển sớm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, theo quy chế, các trường được phép tổ chức xét tuyển sớm. Để bảo đảm quyền lợi trúng tuyển tốt nhất cho thí sinh, Bộ đề nghị các trường không được yêu cầu thí sinh nhập học chính thức, không được công bố danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức sớm. Việc xét tuyển chính thức phải chờ kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông.
Lý do bởi khi các trường cho thí sinh nhập học sớm, các em sẽ phải phân vân xem lựa chọn nhập học theo kết quả này hay chờ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các phương thức khác. Vì vậy, nhiều thí sinh có thể thể bỏ lỡ những cơ hội khác đáng ra cần ưu tiên hơn.
Bộ cũng lưu ý thí sinh không cần nhập học sớm nếu các trường yêu cầu. Không có bất cứ trường nào được ép thí sinh nhập học sớm và các em hoàn toàn có thể đợi đến đợt xét tuyển chung, lựa chọn nguyện vọng ưu tiên nhất.
Học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học năm 2023.
Năm nay, việc nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng đã giúp thí sinh thêm cơ hội trúng tuyển, song cũng tăng áp lực cho thí sinh. Về nội dung này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, các trường tổ chức kỳ thi riêng tùy theo nhu cầu tuyển sinh, đặc thù của từng lĩnh vực. Bộ đã đề nghị các trường dù tuyển sinh theo phương thức nào, sử dụng kết quả các kỳ thi riêng hay dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì cũng cần có đánh giá, phân tích sự tương quan giữa các phương thức, từ đó đưa ra các phương thức phù hợp, bảo đảm công bằng cho thí sinh và chất lượng đầu vào.
Thống kê sơ bộ, năm nay, có khoảng 8 -10 kỳ thi riêng, nhưng các kỳ thi này phân bổ ở cả 2 miền. Ở từng vùng, miền lại chia ra theo lĩnh vực, như kỳ thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia mang tính phổ quát hơn, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung vào khối khoa học kỹ thuật, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập trung vào khối ngành sư phạm…
“Thí sinh không nhất thiết phải tham gia nhiều kỳ thi. Các em chỉ cần tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 1 kỳ thi riêng là đủ. Kỳ thi nào cũng sẽ tập trung đánh giá năng lực, kết quả học tập bậc phổ thông, việc tham gia nhiều kỳ thi sẽ tạo thêm áp lực”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý.
Gửi phản hồi
In bài viết