Gắn phát triển du lịch với hoạt động sản xuất nông nghiệp
Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được thành lập vào tháng 10/2020. Mặc dù, thời gian hoạt động chưa lâu nhưng hợp tác xã này có hướng đi mới nhờ gắn phát triển du lịch với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Bà Lê Khắc Đông Nghi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm giám đốc hợp tác xã cho biết, ban đầu, gia đình đầu tư nuôi 500 con dê bán thịt. Giá cả bấp bênh, đầu ra khó khăn nên tìm một hướng đi mới. Trong một dịp, gia đình được các bác sĩ tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ dẫn sữa dê rất tốt cho sức khỏe. Từ lời nói trên, gia đình chị đã tìm thương lái bán hết số dê thịt nói trên và mua 300 con dê sữa, giống Saanen về nuôi lấy sữa, chế biến các mặt hàng về sữa để phục vụ cho du khách và cung cấp cho thị trường.
Với diện tích 2,5ha, hợp tác xã Đông Nghi chia thành 3 khu vực. Trong đó, khu vực trồng cỏ rộng 2ha, khu trang trại nuôi 300 con dê sữa… và nhà chờ đón 500 khách, rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm từ sữa dê.
Theo bà Lê Khắc Đông Nghi, du khách đến với hợp tác xã sẽ được trải nghiệm các hoạt động như cho dê ăn, dẫn dê đi dạo, cho dê bú bình, bơi xuồng trên sông, đi xe đạp vòng quanh vườn cây ăn trái và thưởng thức các món ăn được chế biến từ sữa dê như: sữa dê nguyên chất, yaourt sữa dê tươi, yaourt sữa dê sấy khô, bánh flan sữa dê tươi, bánh flan sữa dê sấy khô. Đồng thời, những du khách nào muốn thưởng thức các món ăn đậm chất làng quê như: cá lóc nướng trui, cá trắng kho tiêu, tép mũi bông điên điển… cũng được phục vụ.
Tạo không gian mới để thu hút du khách
Rời mô hình “độc, lạ” của bà Nghi, chúng tôi tìm đến mô hình cũng không kém phần độc đáo khác của ông Đoàn Văn Khanh, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Khu vườn rộng hơn 1ha, ông Khanh trồng hơn 200 cây dừa sáp xen bưởi, một số cây thuốc nam như đinh lăng, thần kỳ, chùm ngây… và nuôi ong để làm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Để tạo sự khác biệt, ông Khanh thiết kế những cây cầu bằng thép cao tới ngọn dừa, tạo thành hệ thống giao thông trên cao để du khách tham quan được tận tay sờ, hái, chụp ảnh lưu niệm cùng với các buồng dừa trĩu quả và uống nước dừa cạnh ngọn dừa.
Ông Khanh chia sẻ: “Tạo ra những mô hình “độc, lạ” và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch. Mình không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo không gian cho du khách mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn và được sống với không gian yên tĩnh của chốn quê”.
Du khách tham quan vườn của ông Khanh miễn phí, nhưng giá mỗi trái dừa hái xuống là 100.000 đồng. Nếu khách hái trúng dừa sáp mà không dùng thì vườn sẽ mua lại với giá 200.000 đồng. Đồng thời, thưởng thức các món ăn dân dã miệt vườn như: cháo dừa, cơm dừa kho, gỏi tép bưởi, dừa, bánh khọt… kèm với các loại rau sạch được trồng trong vườn”.
Đến đây, du khách sẽ ngạc nhiên và ấn tượng bởi khu du lịch ve chai thần kỳ. Những ngôi nhà nho nhỏ, tường rào, bàn, ghế được làm từ những phế liệu như: chai nhựa, túi ni-lông đã bị người dân vứt đi. Ông Khanh chia sẻ: “Tôi phải thu gom phế liệu ở nơi sản xuất của gia đình, từ những người dân xung quanh để thực hiện ý tưởng này”. Thông qua mô hình này, ông Khanh muốn lan tỏa đến cộng đồng về việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; biết cách tái sử dụng các loại rác thải, chai nhựa khó phân hủy thành những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.
Từ khi vườn mở cửa, ông Khanh đã đón nhiều du khách đến tham quan. Đặc biệt, có nhiều công ty lữ hành, du lịch đến khảo sát loại hình du lịch của ông để hợp tác đưa khách du lịch đến mô hình du lịch xanh này.
Ngược về phía biển của tỉnh Tiền Giang, chúng tôi đến thăm vườn táo Sáu Hồi của ông Trần Văn Hồi, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Vườn táo rộng 1ha, với hơn 300 cây táo; trong đó, có 68 cây trên 30 năm. Vườn táo cho trái quanh năm. Có ngày, ông thu hoạch gần cả tấn trái.
Đến đây, ông Sáu Hồi niềm nở đón khách từ ngoài cổng và dẫn tham quan một vòng. Ông tâm sự: “Trước đây, gia đình trồng táo chủ yếu bán cho thương lái và khách vãng lai khi đi ngang. Tuy nhiên, số lượng lớn quá, đầu ra thì hạn hẹp. Thích thú với vườn táo sai trái cùng không khí thoáng mát, nhiều khách đến mua ngỏ ý vào vườn tham quan và được tự tay hái ăn. Thấy vậy, nhiều người mách bảo làm du lịch”.
Nghĩ là làm, ông Sáu mua giống táo để trồng thêm vào vườn, đào ao dài hơn để du khách bơi xuồng thư giãn, rồi xây dựng nhiều cầu bắc qua ao để chụp hình. Vườn táo được chia thành nhiều khu để thuận tiện cho việc phục vụ khách tham quan và chăm sóc cây táo.
Những ngày đầu mở cửa, vườn táo của ông đón từ 60-100 lượt khách, còn vào những ngày nghỉ, cuối tuần, lượng khách lên đến hơn 200 người. Sau 3 năm hoạt động, hiện nay, mỗi ngày, vườn táo đón vài trăm khách đến tham quan, vào những dịp lễ, tết lên đến gần 1.000 người/ngày.
Không chỉ du khách đến từ các xã, huyện lân cận, một số nhóm “phượt thủ” ngoài tỉnh như: Long An, Bến Tre cũng tìm đến. Ở đây, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng biển Gò Công như: các loại ốc, nghêu, sò, đặc biệt là cháo gà đất…
Ông Sáu Hồi chia sẻ: “Ở vùng biển này, nhiều người làm du lịch biển. Nhưng gia đình tôi làm du lịch phải theo hướng khác. Vừa giải quyết đầu ra cho trái táo mà còn thu phí 30.000 đồng/người khi vào tham quan khu vườn. Thời gian tới, gia đình sẽ đầu tư thêm nhiều tiểu cảnh và trồng nhiều loại hoa, rau, củ để thu hút nhiều du khách đến với vườn táo hơn nữa”.
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã đưa nhiều sản phẩm du lịch mới vào khai thác nhằm phục vụ khách du lịch, các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch được tăng cường. Đến nay, hoạt động du lịch của địa phương đã phục hồi tích cực, lượng khách du lịch nội địa tăng cao, du lịch quốc tế cũng dần tăng lên.
Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh Tiền Giang trong 7 tháng đầu năm 2022 gần 378.000 lượt, trong đó, gần 13.000 lượt khách quốc tế, khoảng 365.000 lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt trên 184 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết, hiện tại, tỉnh Tiền Giang có 46 điểm du lịch, trong đó những điểm du lịch gắn với nông nghiệp hết sức tiêu biểu. Cụ thể là Điền Lan Thôn Trang (Châu Thành), vườn lan Thảo Nguyên (thành phố Mỹ Tho), vườn táo Sáu Hồi (Gò Công Đông), hợp tác xã Đông Nghi (Châu Thành).
Các mô hình này gắn kết giữa sản phẩm nông nghiệp với du lịch. Từ đó, tạo ra các mô hình du lịch rất ấn tượng, được du khách đánh giá khá cao. Thời gian tới, ngành du lịch sẽ có kế hoạch kết nối các tour vào các điểm du lịch này nhằm đa dạng các loại hình du lịch của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết