Những người đo nắng đo gió

- Một giờ đêm người dân thành phố Tuyên Quang đang chìm trong giấc ngủ, nhưng tại Đài Khí tượng thủy văn tỉnh nằm “nép” mình trên đỉnh dốc số 2 vẫn sáng đèn. Các cán bộ, nhân viên trong kíp trực như thường lệ vẫn đều đặn lên đài khí tượng để quan trắc thời tiết, nhìn mây, đo lưu lượng gió, nhiệt độ đất, độ ẩm không khí.

Bà Vũ Thị Thu, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, nhiều người cứ nghĩ công việc của chúng tôi nhàn, song một ngày với 8 lần đo với gần 100 thông số đã “oải” lắm rồi. Chưa kể đo xong, các thông số phải nhanh chóng được mã hóa, gửi ngay về Đài Khí thượng thủy văn Quốc gia. Do dự báo thời thiết cần sự quan trắc chính xác diễn ra cùng một thời điểm theo giờ quốc tế, nên các nhân viên phải đo “4 ốp chính” vào các khung giờ quy định: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ và “4 ốp phụ” vào các giờ: 4 giờ, 10 giờ, 16 giờ, 22 giờ.

Quan trắc viên đo nhiệt độ không khí.

Với tầm quan trọng của công tác dự báo thời tiết nên Đài Khí thượng thủy văn tỉnh đã hình thành từ thời Pháp thuộc, trải qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay có một mạng lưới khá rộng khắp. Tỉnh có Đài Khí tượng thủy văn Tuyên Quang và 9 trạm khí tượng thủy văn trực thuộc ở các huyện, thành phố. Riêng huyện Sơn Dương, Lâm Bình chưa có trạm khí tượng và thủy văn. Huyện Na Hang mới có trạm thủy văn, chưa có trạm khí tượng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 8 trạm đo mưa tự động do Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc quản lý, gồm: Côn Lôn, Quý Quân, Lăng Can, Minh Quang, Đạo Viện, Kim Quan, Sơn Dương, Sơn Nam và 28 trạm đo mưa tự động do Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh lắp đặt và quản lý.

Hàng ngày để ra được một bản tin dự báo thời tiết ngắn gọn chưa đầy một trang giấy, cả mạng lưới Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã làm việc không biết mệt mỏi ngày đêm. Những cán bộ có kinh nghiệm nhất phải vào cuộc đọc số liệu mã hóa, cùng nhau thảo luận, đưa ra phương pháp dự báo chính xác nhất. Dự báo viên Nguyễn Thị Thu Hường,  Đài Khí tượng thủy văn tỉnh chia sẻ, công tác dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn được các dự báo viên thực hiện hàng ngày theo nhiều bước. Bên cạnh số liệu trên địa bàn tỉnh, cần thu thập phân tích số liệu ở trong khu vực, các tỉnh lân cận. Đồng thời, kết hợp sử dụng số liệu viễn thám như vệ tinh khí tượng, ra đa thời tiết, định vị sét của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, Đài Khí tượng thủy văn Quốc gia. Trong quá trình phân tích dữ liệu, nếu phát hiện có khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm thì chuyển sang thực hiện quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm tương ứng.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh hàng ngày phải cung cấp 2 bản tin được phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đăng lên trang Website của Sở Tài nguyên và Môi trường. Hàng tuần hay đột xuất có thời tiết nguy hiểm phải có bản tin dự báo khí tượng thủy văn trên địa bàn gửi đến Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thành phố khi có yêu cầu. Đơn vị phải chi tiết hóa các bản tin dự báo khí tượng thủy văn đến từng khu vực trên địa bàn tỉnh; cải tiến nội dung các bản tin dự báo để ngày càng phục vụ tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh và cộng đồng.

Dự báo viên của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi ảnh viễn thám mây vệ tinh, ra đa thời tiết.

Bên cạnh đó theo yêu cầu của tỉnh, khi mực nước tại trạm thủy văn Tuyên Quang từ 20 m trở lên, đơn vị làm thêm bản tin dự báo phục vụ riêng cho tỉnh. Thực hiện Quyết định 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, hằng năm Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hồ thủy điện Tuyên Quang trong việc cung cấp số liệu khí tượng thủy văn cho các hồ và thu nhận thông tin xả của hồ để sớm đưa ra được bản tin dự báo lũ cho vùng hạ du. Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng bản tin lũ quét, sạt lở đã được đơn vị dự báo đến cấp xã. Đồng thời nghiên cứu quy luật thời tiết của 10, 20, 30 năm trước để có những dự báo trung và dài hạn. Trung bình 1 năm Đài Khí tượng thủy văn tỉnh ra trên 1.000 bản tin thời tiết các loại.

Tại Trạm Thủy văn Na Hang, việc đo chính xác mực nước sông Gâm thời điểm này không phải chuyện dễ dàng. Cán bộ, nhân viên Trạm Thủy văn Na Hang khẳng định, kể từ khi có công trình thủy điện Tuyên Quang đi vào hoạt động năm 2007, mực nước sông Gâm, tốc độ dòng chảy dưới hạ du không còn ổn định như trước. Điều tiết dòng sông Gâm đều do con người vận hành, có lúc nhà máy xả nước, mực nước lên xuống bất thường. Vì vậy, để có số liệu chính xác về mức nước, dòng chảy tự nhiên, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang trong việc cung cấp số liệu về lượng nước xả. Từ đó tính toán, ra một đáp số tối ưu, đáp ứng cho việc dự báo thời tiết, thủy văn một cách chính xác.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Tuyên Quang có địa bàn rộng, địa hình chia cắt nên dự báo thời tiết diễn biến cục bộ ở từng khu vực nhỏ hết sức khó khăn. Thông thường thì khoảng   50km cần có 1 trạm quan trắc khí tượng và thủy văn. Ở tỉnh ta còn 2 huyện Lâm Bình và Sơn Dương chưa có trạm quan trắc nào, huyện Na Hang thiếu trạm khí tượng. Tuy nhiên khắc phục những khó khăn thực tại,  Đài Khí tượng thủy văn tỉnh vẫn bám sát địa bàn, tham vấn số liệu của những tỉnh giáp ranh để có những bản tin dự báo thời tiết trên địa bàn tỉnh, tại các huyện, thành phố tương đối chính xác.

Tại cánh đồng lúa thôn An Phong, ông Ma Văn Tuấn, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) đang phun thuốc diệt trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp. Để có ngày phun thuốc nắng ráo đẹp trời, ông đã phải theo dõi bản tin dự báo thời tiết của tỉnh. Theo ông Tuấn, bản tin dự báo thời tiết của tỉnh đã giúp ông chủ động hơn trong sản xuất, sinh hoạt.

Những năm gần đây việc dự báo “mưa nắng” trong vài ngày trước, thậm chí hàng tuần trước trên địa bàn tỉnh được đánh giá khá chính xác. Làm được điều đó chính là sự nỗ lực vươn lên làm chủ khoa học, bằng kinh nghiệm dầy dặn, tình yêu nghề và trách nhiệm với cộng đồng. Một bản tin thời tiết chuẩn xác có thể giúp cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tốt công việc, một khu dân cư hạn chế được thiên tai hay một gia đình lựa chọn được thời điểm gieo cấy phù hợp.

Với ý nghĩa đó “những người đo nắng đo gió” vẫn âm thầm giúp cho tỉnh nhà trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Họ chính là những vị bác sỹ “bắt bệnh” của trời.

Ghi chép: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục