Người dân thôn Đồng Bả, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) đóng góp ngày công xây dựng đường bê tông nội đồng.
Làm Trưởng ban công tác mặt trận từ năm 2012, bà Nguyễn Thị Viễn, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đồng Bả, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) không thể kể hết những vui buồn của công việc “vác tù và” này. Nhưng ấn tượng nhất với bà, là câu chuyện vận động người dân làm đường bê tông nông thôn, đường bê tông nội đồng - con đường mà người dân quê bà vẫn gọi vui là “cao tốc của Đồng Bả”. Đồng Bả có 66 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào Tày. Những tuyến đường nội đồng tồn tại ở đây đã vài ba thế hệ. Lâu nay “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, chuyện bỏ tiền ra mở con đường lớn hơn, cũng chẳng ai nghĩ đến.
Khi Nhà nước có chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, Đồng Bả lấy ý kiến nhân dân về chuyện đóng góp tiền, góp ngày công để làm đường. Bà Viễn kể, cũng kỳ công lắm, ở thôn có người hiểu biết, cũng có người chưa hiểu, chỉ muốn chờ Nhà nước làm sẵn cho con đường để đi thôi… Bà phải đến từng nhà, giải thích về chính sách của Đảng, Nhà nước, về lợi ích của việc “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Mưa dầm thấm lâu, Đồng Bả bắt đầu bằng những tuyến đường ngắn vài chục mét. Đường bê tông trải thảm mịn màng, xe qua lại chở nông sản đang “sung” thì… hết đường. Bà con lại đề nghị, mở rộng thêm, kéo dài thêm tuyến đường. Kỷ lục nhất là tuyến đường bê tông nối 2 thôn Đồng Bả đi Lăng Khán dài hơn 1,5 km vừa mới hoàn thành. Đường mở đến đâu, dân hiến đất cho thẳng cho đẹp đến đấy.
Trưởng ban công tác mặt trận Nguyễn Thị Viễn cười: Không có bí quyết gì ngoài sự tận tình, mềm mỏng. Hơn hết, là người dân được tuyên truyền, hiểu rõ về chủ trương, chính sách, sẵn sàng cùng với thôn, với xã hoàn thành các phần việc thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.
Với các hình thức tuyên truyền, vận động, phổ biến, giải thích, nắm bắt đời sống Nhân dân một cách thấu đáo thông qua các cuộc họp tại thôn, xóm, tổ dân phố, Trưởng ban công tác mặt trận cơ sở đã tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng, triển khai các chương trình, dự án ở địa phương, tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở.
Bà Phạm Thanh Bình - người lên ý tưởng cho mô hình Đèn trung thu của Tổ dân phố 6, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang).
Vận động Nhân dân tích cực lao động sản xuất, hiến đất mở đường giao thông nông thôn, xây dựng khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”, chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Từ đầu tháng 6, bà Phạm Thanh Bình, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố 6, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) đã cùng với các đồng chí trong “Tổ cố vấn đặc biệt” hoàn thành việc phác thảo, lên ý tưởng cho mô hình đèn Trung thu “Truyền thuyết Hồ Gươm gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn”. Đã 4 năm liên tục, Tổ dân phố 6 có mô hình tham gia thi mô hình Đèn trung thu và năm nào cũng đạt giải cao. Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 6 Lâm Quốc Sự khẳng định, một phần là nhờ ý tưởng của bà Trưởng ban công tác mặt trận Phạm Thanh Bình đấy.
Bà Bình vốn là giáo viên nghỉ hưu. Khi tham gia vào “Tổ công tác đặc biệt” này, bà Bình được chi bộ, tổ dân phố và bà con tín nhiệm giao cho lên ý tưởng từng mô hình, để vừa mang ý nghĩa giải trí, vừa mang ý nghĩa giáo dục. Mỗi mô hình, bà đều ngồi lại với những nghệ nhân trực tiếp thực hiện, như ông Nguyễn Văn Hạnh, Trần Văn Đông… để cùng bàn bạc.
Đặc biệt, tất cả các mô hình ở Tổ dân phố 6 đều do người dân tự thực hiện. Những ngày rước đèn, tổ phân thành khu vực để con em đều được hưởng thành quả, đêm diễn diễu đặc biệt thì ưu tiên cho con em có thành tích học tập xuất sắc, như một phần quà động viên các em cho cả một năm chăm chỉ rèn luyện.
Đấy là chuyện ý tưởng, còn chuyện đóng góp, bà Bình tự hào, khi chỉ chưa đầy 1 tuần, tổ dân phố 6 đã hoàn thành thu trên 41 triệu đồng tiền ủng hộ của nhân dân. Tất cả mọi khoản thu, nộp, chi, bà Bình công khai trên bảng tin ở Nhà văn hóa, đảm bảo dân chủ, minh bạch từng khoản để dân cùng biết, cùng bàn, cùng kiểm tra, cùng giám sát và thụ hưởng.
Còn rất nhiều những tấm gương, những sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của đội ngũ Trưởng ban công tác mặt trận. Họ là những người bám sát cơ sở, tích cực đóng góp trí tuệ, tâm huyết với công việc và động viên, khuyến khích các tầng lớp Nhân dân tham gia đầy đủ, có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động; tích cực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vun đắp tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt, gắn kết.
Gửi phản hồi
In bài viết