Dựa trên thực tế chưa có trường đào tạo ngành Product Management (Phát triển sản phẩm) chính quy tại Việt Nam, từ năm 2019 đến nay Zalo đã tổ chức Zalo PMT với mục tiêu phát triển chương trình đào tạo ngắn hạn, có lộ trình rõ ràng để giúp các tập sự viên trẻ có cơ hội tiếp xúc, theo đuổi ngành Product Management.
Chỉ trong năm 2021, Zalo PMT đã thu hút số lượng lớn tập sự viên đến từ nhiều trường đại học trong và ngoài nước như: Đại học Osaka Nhật Bản, Đại học RMIT Việt Nam, Đại học Ngoại thương... nhờ vào danh tiếng và uy tín của chương trình. Bên cạnh các tập sự viên đến từ ngành công nghệ thông tin, năm nay Zalo PMT còn thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ xuất phát từ các ngành khác như luật, marketing, kinh tế...
Thu Uyên, một trong những thực tập sinh của Zalo PMT cho biết cô ấn tượng với chương trình ở sự bài bản và chuyên nghiệp, và cũng khá ‘choáng” với sự đầu tư lớn từ Zalo cho chương trình này.
“Em nhận được sự hướng dẫn tâm huyết và tận tình từ những anh chị PM sản phẩm nhiều kinh nghiệm tại Zalo. 6 tháng tham gia Zalo PMT với em là hành trình để em tự đánh giá xem bản thân mình có đủ năng lực và sự yêu thích của em với công việc này đến đâu”.
Được biết, Thu Uyên là một trong 2 thủ khoa đầu ra của Zalo PMT 2021. Đây là dự án Product đầu tiên bạn được tham gia bởi trước đó Uyên từng làm việc trong lĩnh vực Marketing. Thu Uyên chia sẻ thêm: “Kết thúc chặng đường, mình tin là mình đã lựa chọn đúng. Sau 6 tháng tham gia Zalo PMT với 1,5 tháng đầu dùng để đào tạo các kiến thức căn bản và 4,5 tháng tiếp theo “thực chiến” cùng sản phẩm, mình được học rất nhiều: từ kiến thức chuyên ngành cho đến tư duy giải quyết vấn đề, để rồi được áp dụng kiến thức đó vào sản phẩm cụ thể.”
Anh Trần Quang Đức, Trưởng Ban Tổ chức chương trình Zalo PMT 2021 cho biết yếu tố thực tiễn là một trong những yêu cầu của Zalo khi phát triển khóa đào tạo này. Các tính năng do các thực tập sinh xây dựng đều được chạy trên sản phẩm thực tế để nhận được phản hồi từ người dùng. Điều đó giúp các bạn trẻ được trải nghiệm thực tế quy trình ra mắt một tính năng ở Zalo và cảm xúc thật sự của người làm sản phẩm khi “đứa con tinh thần của mình” được giới thiệu với người dùng.
“Các bài toán của chương trình đều được thiết kế nhằm tạo ra giá trị tích cực với người dùng trên hệ sinh thái Zalo. Từ những kinh nghiệm đó, các bạn sẽ rút ra được bài học để thử thách mình trong các bài toán lớn hơn, bởi hành trình nào cũng bắt đầu từ một bước chân”, anh Đức chia sẻ thêm.
Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai, Zalo PMT 2021 thu hút hơn 700 hồ sơ ứng tuyển. Qua quá trình đánh giá và chọn lọc, ban tổ chức đã chọn ra 16 ứng viên xuất sắc và tiến hành chia thành 8 nhóm để giải quyết các bài toán sản phẩm. Mỗi bài toán là một hướng tiếp cận vấn đề thực tế đang tồn tại trong các sản phẩm tại Zalo.
Cụ thể là dự án: (1) Cải thiện tính năng chúc mừng sinh nhật trên Zalo để tránh làm phiền; (2) Tích hợp nhạc Zing MP3 cho mục Story; (3) Ứng dụng QR trên Zalo; (4) Xây dựng tính năng tương tác giữa người dùng với OA trên trang OA Zalo; (5) Khai thác chức năng song ca để tăng gắn kết trên ứng dụng KAKA; (6) Thiết kế và phát triển chuyên trang bóng đá trên ứng dụng tin tức; (7) Thiết kế và phát triển tính năng “Podcast của tôi” trong Zing MP3; (8) Thiết kế lại cơ chế chia sẻ của Zing MP3.
Sau chặng đường đào tạo cho chương trình Product Management Trainee của Zalo, các bạn tập sự viên đi từ hành trình học và hiểu: Học kiến thức và hiểu người dùng. Với việc học lý thuyết trong vòng 6 tuần đầu, các bạn có cơ hội nắm rõ nguyên tắc cần có khi phát triển sản phẩm như thấu hiểu người dùng, giải quyết vấn đề từ ý tưởng đến thiết kế giao diện, thử nghiệm tính năng và đưa vào thực tế.
Các dự án đạt kết quả cao sẽ tiếp tục được phát triển và những tập sự viên xuất sắc sẽ tiếp tục ở lại Zalo để phát triển sản phẩm trong những năm tới. Có thể nói Zalo PMT đã và đang tạo nên nền móng vững chắc trong đào tạo ngành Product Management tại Việt Nam. Hy vọng rằng chương trình sẽ tiếp tục truyền lửa để có thêm nhiều ứng viên trẻ tuổi gắn bó lâu dài với nghề Product Management.
Gửi phản hồi
In bài viết