Phát triển nghề trồng chè giúp người dân thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) có cuộc sống ấm no.
Hỗ trợ người nghèo từ “gốc”
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến cuộc sống của mọi người dân thì người nghèo lại càng bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ tái nghèo cao. Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh xác định công tác giảm nghèo, hạn chế tái nghèo là nhiệm vụ quan trọng. Tỉnh đã triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đối với hộ nghèo; thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động; tăng cường tuyên truyền làm thay đổi ý thức của hộ nghèo…
Việc xác định nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ hộ nghèo kịp thời được coi là giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố tiến hành rà soát số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, đồng thời tổ chức đánh giá chất lượng triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo để từ đó tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp.
Gia đình chị Hoàng Thị Thuần, dân tộc Tày ở thôn Bản Nuầy, xã Năng Khả (Na Hang) là hộ tái định cư rất khó khăn vì không có nghề nghiệp ổn định. Mấy năm trước, gia đình chị được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng thông qua tổ vay vốn của thôn với số tiền 50 triệu đồng. Các thành viên trong gia đình chị còn được xã tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để lựa chọn mô hình phù hợp. Từ đó gia đình chị đã lựa chọn phát triển mô hình nuôi gà đẻ, nuôi lợn thịt, biết áp dụng kiến thức phòng bệnh cho vật nuôi hiệu quả. Mô hình chăn nuôi của chị phát triển tốt, đạt doanh thu gần 100 triệu đồng mỗi năm, vươn lên thoát nghèo.
Lao động làm việc tại Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Tuyên Quang.
Vấn đề lớn nhất đối với gia đình chị Đặng Thị Nhung ở thôn Bản Luông, xã Hồng Quang (Lâm Bình) là thiếu kiến thức sản xuất. Gia đình chị được xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để phát triển cây, con đặc sản. Việc thay đổi cách nghĩ, nếp làm, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đã giúp chị thành công. Năm 2021, gia đình chị xây được nhà, mua sắm nhiều tiện nghi nhờ tiền bán trâu, lợn và trồng rừng.
Việc hỗ trợ hộ nghèo theo nhóm nguyên nhân đã thực sự mang lại kết quả rõ rệt. Từ đó các chính sách đối với hộ nghèo được triển khai hiệu quả, tạo đà để hộ nghèo đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, bứt phá vươn lên thoát nghèo hiệu quả.
Loại bỏ cái nghèo trong tâm trí
Xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp hộ nghèo tự lực vươn lên bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giảm nghèo; những tấm gương thoát nghèo hiệu quả, tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để tạo sức lan tỏa cho người nghèo vươn lên…
Nhiều trường hợp dù còn khó khăn nhưng đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo như bà cụ Phan Thị Trà, 85 tuổi ở thôn Bình Ca, xã Tứ Quận (Yên Sơn); ông Hà Tinh Tú ở xã Yên Lâm (Hàm Yên) bị tai nạn lao động mất một bên mắt chịu khó nuôi lợn đen vươn lên thoát nghèo; bà Ma Thị Ngân ở xã Kim Bình (Chiêm Hóa) chồng mất, nhà bị cháy nhưng vẫn không nhận hộ nghèo… đã làm lay động lòng người, góp phần cổ vũ, lan tỏa tinh thần vươn lên trong các hộ nghèo.
Đào tạo nghề điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.
Từ việc triển khai hiệu quả các chính sách của Nhà nước, của tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của mỗi hộ nghèo đã giúp công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 27,81% xuống còn 9,03%, bình quân giảm 3,76%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đề ra mục tiêu giảm từ 2 đến 2,5% hộ nghèo mỗi năm, trong năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm 2,43%, đạt 115,7% kế hoạch năm.
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là thách thức lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Bởi vậy đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của các cơ quan, đơn vị liên quan khi triển khai các giải pháp giảm nghèo, giúp việc triển khai chính sách đối với hộ nghèo kịp thời, hiệu quả.
Tỉnh vừa triển khai Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu xóa 3.820 nhà ở tạm, dột nát cho 100% hộ nghèo. Điều này đã thể hiện quyết tâm cao của các cấp, các ngành, của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh… nhằm chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Gửi phản hồi
In bài viết