Họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 4/11.
Thực hiện nghiêm việc đăng ký phát hành trái phiếu
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, tình hình thị trường trái phiếu riêng lẻ của 10 tháng đầu năm, theo số liệu Bộ tổng hợp được, có 70 doanh nghiệp đã thử nghiệm phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 180,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã phát hành trước đây, mua lại trước hạn 190,7 nghìn tỷ đồng và một điểm rất lưu ý là kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành ngày 5/3/2023 cho đến hết tháng 10 thì khối lượng phát hành là 179,5 nghìn tỷ đồng.
Một điểm nữa là ở thị trường sơ cấp, tức là khi doanh nghiệp phát hành thì nhà đầu tư tổ chức chiếm hơn 95% và nhà đầu tư cá nhân chỉ có khoảng gần 5% đã tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành. Khối lượng đáo hạn của từ nay đến cuối năm là 61,6 nghìn tỷ đồng đối với trái phiếu mà doanh nghiệp đã phát hành.
Về tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên hệ thống giao dịch tập trung thì sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã phối hợp các thành viên cũng như với các doanh nghiệp vận hành một cách an toàn, thông suốt hoạt động của hệ thống giao dịch này. Quy mô của thị trường và thanh khoản đã có bước tăng trưởng, tính đến 31/10 thị trường đã tiếp nhận và đưa vào giao dịch 451 mã trái phiếu của 114 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt khoảng 336.768 tỷ đồng.
Về quy mô giao dịch, tính đến hết phiên giao dịch 31/10/2023 thì tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 49.392 tỷ đồng tính bình quân thì giá trị giao dịch đạt 676,6 tỷ đồng/phiên. Riêng trong tháng 10, giá trị toàn thị trường đạt 29.292 tỷ đồng bình quân giá trị giao dịch khoảng 1.331 tỷ đồng/phiên. Đến thời điểm hết tháng 10 mới có 451 mã trái phiếu của 114 doanh nghiệp đăng ký để doanh dịch trên thị trường này và cũng còn nhiều mã trái phiếu của các doanh nghiệp đã phát hành chưa thực hiện đăng ký.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cũng như Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tiến hành giám sát và kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu như các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu mà không thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống này theo quy định của pháp luật.
Nỗ lực bảo đảm cung ứng điện
Trả lời về vấn đề cung ứng điện, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để cung ứng đủ điện cuối năm 2023 và cả 2024, Bộ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp, cụ thể là bảo đảm cung ứng nguồn nhiên liệu đầu vào như than, khí, dầu để sản xuất điện; đồng thời đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn, lưới điện, đặc biệt là Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối; điều độ vận hành hệ thống điện một cách tối ưu; đẩy mạnh khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà, khẩn trương rà soát để trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Bộ cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực (EVN) cần phải nâng cao dự báo, xây dựng kịch bản đối phó với tình hình thời tiết cực đoan, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế, sinh hoạt người dân.
Về tính giá điện, Thứ trưởng cho biết đang căn cứ theo Quyết định 24/20217/QĐ-TTg của Chính phủ, trong đó quy định cụ thể các phương pháp lập giá bán điện lẻ bình quân bao gồm chi phí các khâu trong quy trình sản xuất cung ứng điện như phát điện, truyền tải điện, phân phối, dịch vụ hỗ trợ…
Các cơ chế điều chỉnh mức giá bình quân đã quy định rõ trong Quyết định 24 về thông số đầu vào. Cụ thể nếu tăng hơn 3% trở lên thì sẽ điều chỉnh tăng và ngược lại. Điện có mặt hầu hết trong đời sống kinh tế, nên điều chỉnh ảnh hưởng toàn xã hội. Do vậy, theo Thứ trưởng, Quyết định 24 cũng quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu có ảnh hưởng vĩ mô. Hiện nay, Bộ Công thương đang nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định 24 để xây dựng cơ chế điều chỉnh cho lộ trình phù hợp.
Thứ trưởng cũng cho biết, vừa qua Bộ Công thương đã giám sát việc thực hiện kết luận của các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có EVN. Theo đó, EVN đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm các cá nhân đơn vị được chỉ ra trong kết luận thanh tra. Các hình thức kỷ luật đã cáo báo lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Về phía Bộ Công thương, đã tiến hành kiểm điểm các đơn vị có liên quan tại Bộ. Lãnh đạo Bộ khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban, EVN khắc phục hậu quả, tránh lặp lại sai sót chỉ ra trong kết luận thanh tra.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, căn cứ theo kết luận thanh tra của Bộ Công thương về cung ứng điện, đã nêu một số tồn tại và vi phạm với 5 nhóm nội dung gồm: chậm đầu tư hoàn thành một số nguồn và lưới điện; việc bảo đảm dự trữ nguồn nguyên liệu sơ cấp; điều độ hệ thống điện và cân đối các nguồn điện; vi phạm chỉ đạo điều hành và lập lịch; để gián đoạn nguồn cung ứng điện trên diện rộng ở khu vực miền bắc...
Theo ông Hồ Sĩ Hùng, đây là những nội dung rất quan trọng nên để làm rõ trách nhiệm, các đơn vị liên quan lập hội đồng kỷ luật để tiến hành kiểm điểm. Đến nay, EVN đã thực hiện kiểm điểm nghiêm túc và làm rõ trách nhiệm, đưa ra giải pháp khắc phục và báo cáo các đơn vị liên quan, bảo đảm kiểm điểm đúng vi phạm và tồn tại. Kết quả, đã tổ chức kiểm điểm tại 24 đơn vị trong tập đoàn, 85 tập thể, 161 cá nhân liên quan. Hiện quá trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đã thực hiện theo quy định của Trung ương và đã cơ bản hoàn tất.
Trong đó, EVN đã làm rõ trách nhiệm thực hiện xử lý kỷ luật một số nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý. Bao gồm xem xét kỷ luật bằng hình thức khiển trách với một phó tổng giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện; ban hành quyết định kỷ luật khiển trách với Ban Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, đề xuất kỷ luật khiển trách với một nguyên chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn và thành viên hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc của tập đoàn. Do vấn đề này vượt thẩm quyền nên Ủy ban đang báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Gửi phản hồi
In bài viết