Diễn đàn Quản trị internet lần thứ 17 được tổ chức tại Addis Ababa của Ethiopia từ ngày 28/11 đến ngày 2/12. Ảnh: BTC
Với chủ đề "Internet linh hoạt vì một tương lai chung bền vững", Diễn đàn Quản trị internet lần thứ 17 được tổ chức tại Addis Ababa của Ethiopia từ ngày 28/11 đến ngày 2/12. Mục tiêu của sự kiện là nhằm kêu gọi hành động tập thể và chia sẻ trách nhiệm để tăng cường kết nối, bảo vệ quyền con người, tìm các giải pháp giảm "nghèo đói kỹ thuật số", quản lý dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư, thúc đẩy các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến… Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Li Junhua (L.Giun-hua) nhấn mạnh rằng, "nhiệm vụ tập thể" tại Addis Ababa là giải phóng sức mạnh và tiềm năng của internet linh hoạt vì tương lai chung và bền vững.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo về hệ lụy của tình trạng bất bình đẳng về kỹ thuật số. Theo thống kê của Liên hợp quốc, 2,7 tỷ người trên thế giới, mà trong đó phần lớn là phụ nữ và hầu hết ở các nước đang phát triển, vẫn chưa thể truy cập internet. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Chủ tịch Nhóm Phát triển bền vững của Liên hợp quốc Amina Mohammed từng đưa ra lời cảnh báo trước Ðại hội đồng Liên hợp quốc rằng, nếu cộng đồng quốc tế không có hành động quyết đoán, khoảng cách kỹ thuật số sẽ trở thành "diện mạo mới của sự bất bình đẳng".
Diễn đàn Quản trị internet lần thứ 17. Ảnh: BTC
Với các chính sách phù hợp được áp dụng, rõ ràng, công nghệ kỹ thuật số có thể tạo ra một "cú huých" chưa từng có đối với sự phát triển bền vững, đặc biệt với các nước nghèo nhất. Các cuộc thảo luận đang được tiến hành ở nhiều cấp độ nhằm thúc đẩy các cam kết chính trị về thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số ngày càng lớn, nhất là trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra và hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc vào cuối thập niên này. Tuy nhiên, cũng chính khoảng cách kỹ thuật số ngày càng sâu sắc giữa các nước phát triển và đang phát triển khiến các cuộc thảo luận toàn cầu về kỹ thuật số thiếu tính toàn diện.
Nguồn lực và năng lực chuyển đổi số ngay cả tại các nền kinh tế phát triển cũng không đồng đều. Kết quả cuộc khảo sát, do Chính phủ Anh tài trợ, cho thấy hơn 50% số công chức nhận định các cơ quan công quyền tại nước này vẫn thiếu công cụ công nghệ, nguồn lực và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số trong các dịch vụ công. Khoảng 63% số công chức làm công tác chuyển đổi số cho rằng công nghệ cũ là rào cản, 61% đổ lỗi cho việc thiếu kinh phí, trong khi 50% đề cập tới việc không thể tuyển dụng nhân sự chất lượng cao. Hơn 75% số người được hỏi cho rằng, đổi mới là chìa khóa để cải thiện chất lượng dịch vụ công, trong khi hơn 75% muốn được đào tạo nhiều hơn về kỹ năng kỹ thuật số.
Liên hợp quốc thường xuyên nhấn mạnh vai trò của các SDG là kim chỉ nam trong tiến trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau đồng nghĩa bảo đảm khả năng kết nối cho tất cả mọi người trong môi trường số. Ðể đạt được khả năng kết nối toàn cầu, không thể chỉ phụ thuộc hành động riêng lẻ của các chính phủ hoặc công ty công nghệ, mà cần một nỗ lực chung, với sự hợp tác giữa chính quyền trung ương và địa phương, khu vực tư nhân, các tổ chức đa phương và cả người dân.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đề xuất một Hiệp ước Kỹ thuật số toàn cầu, trong đó nhấn mạnh về một không gian kỹ thuật số lấy con người làm trung tâm, bảo vệ quyền riêng tư cũng như sử dụng dữ liệu một cách an toàn, có trách nhiệm. Hiệp ước vạch ra các nguyên tắc chung cho một tương lai kỹ thuật số mở, tự do và an toàn cho tất cả mọi người.
Gửi phản hồi
In bài viết