Bên cạnh đó, sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, sự chênh lệch về trình độ quản lý và sự khác biệt về các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài, biểu hiện qua trào lưu các nước giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp về mức thấp nhất để thu hút đầu tư nước ngoài đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động đa quốc gia (MNE) lợi dụng để tránh việc thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, tháng 6/2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã khởi xướng và được nguyên thủ các quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận với mục tiêu: Phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá việc phân bổ lợi nhuận của các doanh nghiệp và xây dựng các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận toàn cầu; bảo đảm rằng tất cả các doanh nghiệp hoạt động đầu tư quốc tế phải nộp mức thuế tối thiểu.
Tổng cục Thuế cho biết, xét về nội hàm, thuế tối thiểu toàn cầu có đối tượng áp dụng là các Tập đoàn công ty đa quốc gia (viết tắt là MNE) đáp ứng ngưỡng doanh thu hợp nhất đạt tối thiểu 750 triệu EUR căn cứ theo báo cáo tài chính của tập đoàn theo từng quốc gia trong ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm xem xét.
Tuy nhiên, cơ quan thuế sẽ loại trừ các tổ chức của chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí hoặc quỹ đầu tư mà công ty mẹ tối cao của Tập đoàn công ty đa quốc gia đầu tư hoặc bất kỳ hình thức quỹ đầu tư nào của các công ty, tổ chức; công ty thành viên hoặc các Công ty thành viên tại Việt Nam trong cùng một Tập đoàn có tổng doanh thu trung bình tại Việt Nam thấp hơn 10 triệu EUR; và có tổng thu nhập trung bình hoặc lỗ tại Việt Nam thấp hơn 1 triệu EUR; thu nhập từ vận tải quốc tế (bao gồm cả vận tải hàng hóa và vận tải hành khách) nếu đáp ứng điều kiện loại trừ của tập đoàn công ty đa quốc gia.
Trên nền tảng đó, các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu bao gồm: Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (Income Inclusion Rule - IIR) là quy định cho phép quốc gia có công ty mẹ tối cao đặt trụ sở chính được đánh thuế công ty mẹ tối cao đối với thu nhập của công ty con ở các quốc gia khác đang chịu thuế thực tế ở dưới mức thuế tối thiểu 15%. Mức thực tế là mức thuế tính cho công ty con hoặc nhóm các công ty con hoạt động tại một nước nhận đầu tư gộp lại (sau khi bù trừ lãi, lỗ giữa các công ty) và được điều chỉnh theo quy định.
Quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (Undertaxed Payment Rule - UTPR): Trường hợp quốc gia của tất cả các công ty mẹ chưa áp dụng Quy định IIR thì các quốc gia có công ty trung gian thuộc tập đoàn có quyền đánh thuế công ty mẹ trung gian ở quốc gia đó đối với thu nhập của công ty con ở các quốc gia khác đang chịu thuế ở dưới mức thuế tối thiểu 15%.
Bên cạnh đó, còn có quy định thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu (The Subject to Tax Rule-STTR) cho phép quốc gia nơi phát sinh thu nhập (lãi tiền vay, tiền bản quyền và một số khoản thanh toán khác) được quyền đánh thuế ở mức thuế suất tối thiểu 9% đối với các khoản thanh toán thu nhập nêu trên cho bên liên kết chịu thuế ở dưới mức thuế suất tối thiểu 9% này. Để thực hiện quyền này, các nước phải tham gia ký Hiệp định đa phương sửa đổi quy định tại các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa các nước.
Ngoài ra, còn có thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT): theo quy định mẫu của OECD, các nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn 15% được quyền ban hành quy định pháp luật để thu thuế bổ sung theo Quy định QDMTT. Việc ban hành các quy định này phải bảo đảm “đạt tiêu chuẩn” theo hướng dẫn của OECD. Các nước nhận đầu tư được quyền ưu tiên thu thuế QDMTT trước khi nước đầu tư áp dụng thuế tối thiểu 15%.
Tổng cục Thuế cũng khẳng định, thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (thường dành cho nước nhận đầu tư) là một loại thuế tối thiểu được quy định tại nội luật của một nước. Theo đó sẽ xác định các khoản thu nhập chịu thuế tối thiểu (sau khi giảm trừ các khoản thu nhập cơ bản gắn với tài sản hữu hình và lao động) của các công ty thành viên tại một nước (thu nhập chịu thuế tối thiểu nội địa) theo cách tính tương đương với quy định thuế tối thiểu toàn cầu; quy định nhằm tăng nghĩa vụ thuế nội địa đối với thu nhập chịu thuế tối thiểu nội địa lên mức tối thiểu tính cho các công ty thành viên tại nước đó trong năm tài chính; được thực hiện và quản lý sao cho tương ứng với kết quả được quy định theo các quy định thuế tối thiểu toàn cầu và tài liệu diễn giải, với điều kiện là nước đó không quy định cho các công ty được hưởng bất kỳ lợi ích nào liên quan trực tiếp đến các quy định về thuế thu nhập bổ sung.
Về tình hình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu ở các nước, Tổng cục Thuế cho biết, trong khối các nước chủ yếu có vốn đầu tư ra nước ngoài, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), các nước châu Âu không phải thành viên của EU (bao gồm Thụy Sĩ, Vương Quốc Anh, Na Uy), các nước châu Á (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Úc) sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Singapore sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2025.
Với nước Mỹ, ngày 9/3/2023, Mỹ đã công bố Báo cáo ngân sách năm tài chính 2024, cùng với phần giải thích chung, trong đó đề xuất nâng mức thuế suất tối thiểu của Global intangible low-taxed income - GILTI (một cơ chế thuế tối thiểu của hiện hành của Hoa Kỳ) từ 10/5 - 21% và sửa đổi các quy tắc liên quan để phù hợp với các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Như vậy, đối với các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, phần lớn sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Singapore.
Tại Trung Quốc, hiện tại Trung Quốc chưa xác định thời gian bắt đầu áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu nhưng cũng đã thành lập Tổ công tác với các thành viên chủ chốt là Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, tổng hợp lấy ý kiến các công ty đa quốc gia. Trung Quốc dự kiến thực hiện luật hóa theo hướng có thể thúc đẩy tăng trưởng FDI của các công ty đa quốc gia.
Ngoài ra, một số nước đã có các giải pháp bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, như Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ xây dựng một “gói” pháp lý chính sách để thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó bao gồm các chính sách mới về ưu đãi thuế nội địa, mức thuế tối thiểu trong nước và quy định hỗ trợ khác như hỗ trợ chi phí phát triển cơ sở hạ tầng, trợ giá điện. Ấn Độ có chính sách hỗ trợ chi phí sản xuất công nghệ cao bằng một khoản tiền đối với mỗi chiếc điện thoại trị giá khoảng 130 USD.
Trong dòng chảy đó của thời đại, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài sự thống nhất thực hiện của quy tắc đánh thuế tối thiểu toàn cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết