Liên tục những tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt khiến nhiều các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa dừng giãn kế hoạch tái đàn. Chị Nguyễn Thị Thịnh, thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) cho biết, gia đình chị vừa xây mở rộng quy mô chuồng nuôi lên 800 - 1.000 con/lứa, tuy nhiên giá cám tăng vùn vụt nên không dám vào đàn ngay. Trước mỗi bao cám hỗn hợp cho lợn thịt, trọng lượng 40 kg, có giá 420 nghìn đồng thì nay đã tăng lên 485 nghìn đồng. Chị Thịnh tính, giá thức ăn chăn nuôi hiện nay, chi phí sẽ đội lên khoảng 1 triệu đồng/tạ, cộng với các khoản giống, thuốc thú y, trong khi giá lợn hơi đang có chiều hướng giảm người nuôi sẽ mất lãi.
Giá phân bón khan hiếm, tăng cao đại lý vật tư nông nghiệp phố Lang Quán, xã Thắng Quân (Yên Sơn) cũng không đủ để bán.
Giá thức ăn gia cầm, thủy cầm cũng tăng lên chóng mặt. Tại đại lý thức ăn chăn nuôi cấp 1 nhãn hiệu Con Cò, Km 5, xã Trung Môn (Yên Sơn), giá niêm yết luôn được điều chỉnh. Theo chủ đại lý, chỉ tính từ tháng 12-2020 đến nay, đại lý đã phải điều chỉnh tăng 6 lần, hiện tại mỗi bao thức ăn cho gia cầm trọng lượng 25 kg tăng từ 60 - 80 nghìn đồng tùy theo từng loại.
Giá phân bón cũng liên tục phi mã và nguyên nhân được cho là tác động bởi giá phân bón trên thế giới tăng, cùng các chi phí vận chuyển, nguyên liệu nhập khẩu… Ông Lê Tiến Dũng, chủ đại lý vật tư nông nghiệp Dũng Phương, Km 11, phố Lang Quán, xã Thắng Quân (Yên Sơn) cho biết, giá đạm Ure Hà Bắc đã tăng từ 320 nghìn đồng lên 550 nghìn đồng/bao 50 kg. Một số sản phẩm phân bón khác cũng tăng từ 60 - 120 nghìn đồng/bao tùy từng trọng lượng. Giá tăng, lượng hàng khan hiếm, khiến cho các đại lý không thể nhập để cung ứng đến bà con. Bà Trịnh Thị Hải, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn) lo lắng khi sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với những rủi ro về thị trường, thiên tai, nay giá phân bón tăng quá cao người nông dân lại càng khốn đốn.
Nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp nhảy vọt được lý giải là do nhiều loại nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, nguyên liệu nhập khẩu… đều tăng. Ngoài ra, dịch Covid-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó khăn, từ đó đẩy giá nhích lên.
Đồng chí Nguyễn Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức, dịch bệnh, thị trường, chi phí đầu vào tăng. Để ứng phó với tình hình, bà con nông dân cần bón phân cân đối giữa đạm, kali và lân; chú ý điều chỉnh giảm lượng phân đạm phù hợp từng khu vực đất, tránh để cây trồng quá tốt, quá xanh, sẽ dễ phát sinh sâu bệnh, vừa tốn nhiều tiền phân bón, vừa tốn thêm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt là cần đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đây là vấn đề quan trọng trong điều kiện vật tư tăng. Ngoài ra, các địa phương nên tăng cường hỗ trợ nông dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác và mô hình cánh đồng lớn, để kết nối với doanh nghiệp sản xuất phân bón, các nhà cung cấp vật tư có uy tín… nhằm mua phân bón với giá gốc, tránh các chi phí trung gian.
Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, các chuyên gia chăn nuôi thú y cho rằng, khoảng 1 năm nay giá sản phẩm chăn nuôi có chiều hướng giảm xuống và nay thức ăn tăng sẽ tạo thêm gánh nặng. Với tình hình bất lợi hiện nay, người chăn nuôi tập trung chăn nuôi theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch để cung ứng cho các thị trường. Đồng thời, các trang trại chăn nuôi theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, nhà máy chế biến thức ăn ổn định đầu ra, hạn chế chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ dễ gặp rủi ro.
Gửi phản hồi
In bài viết