Nỗi lo mất an ninh lương thực tại châu Phi

Khoảng 31 triệu người dân Nigeria có nguy cơ rơi vào cảnh “chạy ăn từng bữa”. Con số không mong muốn nói trên xuất hiện trong báo cáo mới nhất của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) về quốc gia đông dân nhất châu Phi. Đó cũng là lời cảnh báo tới toàn bộ Lục địa Đen trước nguy cơ mất an ninh lương thực trên diện rộng.
Người dân Cộng hòa Trung Phi chờ phân phát lương thực từ FAO. (Ảnh minh họa: Xinhua)
Người dân Cộng hòa Trung Phi chờ phân phát lương thực từ FAO. (Ảnh minh họa: Xinhua)

Chương trình Lương thực Thế giới chỉ rõ, biến đổi khí hậu là một trong những “thủ phạm” chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực ở châu Phi nói chung và Nigeria nói riêng. Theo đó, biến đổi khí hậu đang gây áp lực ngày càng lớn lên ngành nông nghiệp Nigeria trong bối cảnh các đợt hạn hán kéo dài, các hình thái thời tiết cực đoan và mùa mưa ngắn hạn khiến nguồn nước cạn kiệt.

Người phát ngôn Chương trình Lương thực Thế giới Chi Lael cho biết, các “cú sốc” khí hậu liên tiếp khiến các nỗ lực phục hồi của Nigeria trở nên mong manh, kém hiệu quả và khó bền vững. Tình trạng khô hạn ngày càng nghiêm trọng ở khu vực phía bắc, nơi cung cấp phần lớn lượng thực phẩm cho 237 triệu dân Nigeria, đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung và giá lương thực.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nigeria Aliyu Abdullahi thừa nhận, ngành nông nghiệp đang chứng kiến sự sụt giảm năng suất nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu. Hơn 80% nông dân Nigeria là hộ nông dân sản xuất nhỏ, nhưng tạo ra tới 90% sản lượng nông nghiệp cả nước. Nông nghiệp đóng góp 22% GDP của Nigeria trong quý II/2024, giảm so mức 25% của quý trước đó. Trong khi đó, nhập khẩu thực phẩm của các gia đình đã tăng 136% chỉ trong một năm, từ năm 2023-2024, cho thấy áp lực lớn đối với chuỗi cung ứng lương thực trong nước.

Theo số liệu của Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp quốc gia Nigeria, trong năm 2024, nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi đã tác động đến hơn 1.250 ha đất canh tác tại bang Adamawa, làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Giới chuyên gia cảnh báo, với dân số Nigeria dự kiến chạm mốc 400 triệu người vào năm 2050, nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực sẽ ngày càng cấp thiết.

Chung tình cảnh với Nigeria, Mozambique cũng lao đao với tình trạng mất an ninh lương thực. Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực năm 2025 do Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực (GNAFC) - một liên minh quốc tế gồm Liên hợp quốc, các cơ quan chính phủ và phi chính phủ - vừa công bố cho thấy, gần 4,9 triệu người dân Mozambique phải đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng từ tháng 10/2024 đến nay. Báo cáo nhấn mạnh, 24% dân số tại 105/156 quận, huyện của Mozambique phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó có 900.000 người trong tình trạng khẩn cấp.

Có 3 nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng lương thực tại Mozambique:

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng này là do hạn hán dưới tác động của El Nino gây ra, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lượng mưa và nhiệt độ cao trong mùa vụ nông nghiệp 2023-2024.

Thứ hai, các thiên tai như bão và lốc xoáy khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Bão nhiệt đới Filipo vào tháng 3/2024 và bão Chido vào tháng 12/2024 đã tàn phá 58.000ha đất nông nghiệp.

Thứ ba, giá lương thực tăng cao gây thêm áp lực cho khủng hoảng. Vào tháng 10/2024, giá ngô tăng hơn 33% so mức trung bình 5 năm ở miền nam và tăng hơn 60% ở miền trung. Trong 9 báo cáo gần nhất của Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực, Mozambique “đều đặn có mặt” với tư cách là quốc gia phải đối mặt các cuộc khủng hoảng lương thực lớn.

Nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực ở châu Phi, Hội nghị cấp cao Tài trợ cho các hệ thống nông nghiệp-lương thực bền vững năm 2025 với chủ đề “Chủ động xem xét lại tài chính bền vững cho các hệ thống lương thực của châu Phi” đang diễn ra tại thủ đô Nairobi, Kenya đã kêu gọi chính phủ các nước châu Phi tăng cường đầu tư công vào nông nghiệp để củng cố an ninh lương thực và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng bền vững.

Ông Moses Vilakati, Ủy viên phụ trách nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế xanh và môi trường bền vững tại Liên minh châu Phi (AU) vui mừng cho biết, lục địa này đã cam kết huy động 100 tỷ USD vào năm 2035 để chuyển đổi hệ thống lương thực. Bằng cách tăng ngân sách cho ngành nông nghiệp từ 3% lên 10% GDP, Lục địa Đen tin tưởng sẽ giúp tăng năng suất lên 45%, loại bỏ tổn thất sau thu hoạch và tăng gấp 3 lần thương mại nông nghiệp nội khối châu Phi vào năm 2035.

Theo Nhân Dân Điện tử

Tin cùng chuyên mục