Đổi mới tư duy
Muốn thay đổi diện mạo nông thôn, trước hết phải phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Chủ tịch UBND xã Triệu Ngọc Phúc phân tích, Đảng ủy, chính quyền xã Minh Khương xác định tiêu chí thu nhập và giảm nghèo là 2 tiêu chí quan trọng nhất để xây dựng nông thôn mới bền vững. Vì thế xã đã dồn lực lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, tăng cường thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng; khuyến khích người dân liên kết tổ hợp tác, HTX để sản xuất theo hướng hàng hóa. Anh Phúc bảo, Minh Khương giờ có trên 450 ha cam, trong đó trên 200 ha cam sành, trên 150 ha cam V2, cam Vinh đang cho thu hoạch. Niên vụ 2022 - 2023, sản lượng đạt khoảng 5.500 tấn. Quan trọng hơn là người dân đã và đang chuyển từ chăm sóc vô cơ sang chăm sóc hữu cơ và VietGAP để đảm bảo thương hiệu và chất lượng cam đã được xây dựng những năm qua...
Đường trung tâm xã Minh Khương được trải nhựa phẳng lỳ.
Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương thành lập năm 2020 với 7 thành viên và trên 60 ha cam. Thành viên hợp tác xã là những hộ có diện tích cam nhiều, trồng nhiều năm nên có kinh nghiệm trong chăm sóc, thu hái, bảo quản. Anh Mai Văn Phi, Giám đốc HTX nông sản Minh Khương khoe, cam của HTX dán tem truy xuất nguồn gốc cho cam. Từ đó truy xuất nguồn gốc, cam của xã viên hợp tác xã đã vào được siêu thị, lên được các sàn thương mại điện tử. Quan trọng hơn, đã lấy được cảm tình của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Vì thế thu nhập 1 ha cam đã tăng 15% so với trước.
Ở thôn Minh Hà, trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số, thôn nghèo nhất Minh Khương trước đây nhưng đến nay nhiều hộ dân đã thoát nghèo, làm giàu nhờ thay đổi tư duy sản xuất cộng với sử dụng hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề từ vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội.
Tận mắt chiêm ngưỡng vườn chanh tứ thì của chị Vi Thị Vĩnh, dân tộc Tày năm nay mới 25 tuổi, mới thấy được sự thay đổi tư duy làm kinh tế. Chị Vĩnh nâng những quả chanh trái mùa căng mọng, chia sẻ: “Ngày trước diện tích gần 2 ha này trồng cam sành nhưng vì không hợp nên cho vụ đầu tiên, vụ thứ 2 đã chết dần. Lúc ấy cũng thất vọng, sợ vỡ nợ nữa chứ! Vì tiền đầu tư cam chưa chả được”. Thua keo này bày keo khác. Hai vợ chồng bàn nhau, vợ đi làm công ty để lấy tiền trang trải, chồng ở nhà cải tạo đất để trồng chanh tứ thì. “Hai năm lăn lộn vất vả cộng với nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện 100 triệu đồng về trồng chanh. Năm 2022, cây chanh đã cho thu hoạch 200 triệu đồng. Năm nay, vụ trái này mới cắt 1 lần được 5 tạ, giá bán bình quân 25 nghìn/kg, đã thu về 100 triệu đồng. Mồ hôi, công sức giờ đã được trả công” - Chị Vĩnh cười.
Bà Nông Thị Minh, thôn Minh Hà (tay trái qua) hiến 120 m2 mở đường thôn.
Cạnh đó, đàn gà hàng nghìn con đang được thả trong vườn cam của anh Hoàng Văn Chưởng, người được coi là “vua gà” thả vườn của Minh Khương. Anh Chưởng bảo: “Gà không đủ bán vì nuôi thả nên thịt thơm ngon. Đàn gà phải đủ 6 tháng mới xuất bán nên “thương hiệu”gà ta của gia đình đắt khách”. Con gà đã thành hàng hóa, đem lại cho anh Chưởng mỗi năm 200 triệu đồng tiền lãi.
Chịu khó lao động, đổi mới tư duy trong sản xuất, thu nhập bình quân đầu người dân xã Minh Khương đạt 39,6 triệu đồng, đạt tiêu chí thu nhập, góp sức về đích trong xây dựng nông thôn mới.
Thành quả hiện hữu
Về Minh Khương hôm nay, điều dễ nhận thấy nhất là đường nhựa, cầu, đường bê tông đã phủ khắp các bản làng. Thành quả của nhiều năm xây dựng nông thôn mới đã hiện hữu.
Gia đình chị Vi Thị Vĩnh, thôn Minh Hà thoát nghèo nhờ trồng chanh tứ thì.
Giao thông một trong những tiêu chí nhiều thử thách đối với xã khó khăn như Minh Khương. Tuy nhiên, bằng mọi sự cố gắng, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, những con đường bê tông đã vắt qua sườn đồi, leo qua những vách núi thành những tuyến đường thông suốt 4 mùa. Người dân Minh Khương vẫn rỉ tai nhau kỳ tích làm con đường 1,6 km vượt núi Cống Sào mấy năm trước, đại công trường “đội đá” làm đường của người dân thôn Ngòi Họp, Xít Xa, Minh Thái, Thăm Bon và một số hộ ở xã Bạch Xa. Nhờ có con đường này mà Cống Sào đã phát triển được 200 ha cam các loại, chiếm một nửa diện tích cam toàn xã và là nguồn thu nhập chính cho 50 gia đình. Tuyến đường dài 1,6 km từ thôn Cao Phạ đến chân núi Gốc Sảng được bê tông thuận lợi nhờ 12 hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến hơn 6.800 m2 đất sản xuất để thôn mở rộng đường. Ông Triệu Văn Chòi hiến trên 1.100 m2 đất để làm đường ở thôn Cao Phạ kể: "Năm làm đường mừng lắm, bao nhiêu đất cũng hiến thôi để con cháu đỡ vất vả như mình".
Chỉ tay vào con đường đang san ủi mặt bằng để đổ bê tông, Trưởng thôn Minh Hà mới 30 tuổi Vương Minh Ngọc, giới thiệu: “Tuyến đường dài gần 1 km đang được người dân hiến đất để đổ bê tông 3,5m. Cả tuyến có 16 hộ hiến khoảng 1.000 m2 đất vườn để mở rộng đường dọc theo tuyến. Tuyến đường đang được làm, dự kiến nửa tháng nữa sẽ hoàn thành". Cạnh đường là những vườn chanh đang độ thu hoạch, bà Nông Thị Minh, người hiến trên 120 m2 đất làm đường vui vẻ nói: “Đất quý thật nhưng Nhà nước đầu tư cho đường thì mình phải góp đất chứ, chung sức làm mới mau có đường.”
Ngôi nhà của chị Đỗ Thị Vui, thôn Minh Hà, xã Minh Khương từ phát triển chăn nuôi lợn, bò.
Chủ tịch UBND xã Triệu Ngọc Phúc, vui mừng bảo, xã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau 12 năm phấn đấu. Phương châm “xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc” xã sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân duy trì và nâng cao tiêu chí hơn nữa để nông thôn của Minh Khương thật sự đổi mới qua từng năm.
Rời Minh Khương trong nắng chiều chạng vạng, con đường nhựa chạy qua trung tâm xã phẳng lỳ, tôi thầm cảm phục người dân xã vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng đã đóng góp đến gần 33 tỷ đồng, hiến cả chục nghìn m2 đất làm hạ tầng xây dựng nông thôn mới.
Gửi phản hồi
In bài viết