Nông nghiệp bệ đỡ nền kinh tế

- Cha ông ta dạy “Dĩ nông vi bản”, trong mọi hoàn cảnh phải lấy nông nghiệp làm gốc, làm điểm tựa trước những biến cố cũng như cho sự phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng xác định: Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực. Từ chủ trương lớn, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, tạo nguồn nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến và các ngành kinh tế khác. Nông nghiệp đã khẳng định được vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế.

An ninh lương thực và phát triển sản phẩm chủ lực

Sản xuất vụ mùa 2021 diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn, do tác động của dịch bệnh Covid-19, giá phân bón tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp. Vượt qua tất cả, bà con nông dân đón một mùa vàng.

Chuyển những bao lúa nặng từ đồng về nhà, ông Nguyễn Bách Cường, thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) râm ran niềm vui bên người thân. Ông nhẩm tính, mỗi sào ruộng của gia đình cho thu hoạch 2,8 tạ, đây là vụ lúa bội thu nhất từ trước đến nay. Ông Cường bảo, phấn khởi lắm, mùa màng bội thu, người nông dân như ông an tâm hơn, bởi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ thì được mùa lúa sẽ là điểm tựa lớn.

Gia đình ông Triệu Văn Tám, thôn Cây Vải, xã Thái Hòa (Hàm Yên) cũng gặt thêm mùa vàng, chỉ với gần 4 sào ruộng ông thu trên 1 tấn thóc Thái Bình. Theo ông Tám, vụ mùa vừa rồi ông làm theo đúng khuyến cáo và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, chọn giống phù hợp với đồng đất, thực hiện nghiêm ngặt lịch thời vụ và làm tốt khâu chăm sóc, phòng chống sâu bệnh nên lúa mùa của gia đình sinh trưởng tốt, cho năng suất rất cao.

Người dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) thu hoạch lúa mùa, năng suất đạt 60 tạ/ha.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành lúa gạo luôn bị tác động bởi những bất thuận, nhìn rõ những khó khăn trong từng mùa vụ, tỉnh, ngành Nông nghiệp đã chủ động thực hiện các biện pháp, trọng tâm là gieo trồng trong khung thời vụ, lựa chọn nguồn giống chất lượng phù hợp với từng xứ đồng; hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi dần hoàn thiện, diện tích làm đất bằng cơ giới hóa tăng cao. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đã tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, điều này đã làm nên những vụ lúa thắng lợi. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh gieo cấy trên 44.000 ha lúa, năng suất trên 59 tạ/ha, sản lượng lương thực trên 34 vạn tấn, bình quân lương thực đạt trên 400 kg/người/năm, cao nhất từ trước đến nay.

Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, tỉnh quan tâm đầu tư một cách bài bản phát triển cây, con chủ lực, có lợi thế, sức cạnh tranh như cây cam, chè, bưởi, lạc, gỗ rừng trồng, con trâu, lợn và cá đặc sản. Tỉnh cũng tranh thủ, huy động, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thống kê chưa đầy đủ, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2016 đến nay khoảng 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Quan Văn Trường, thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) phấn khởi cho biết, trước đây bà con trồng lạc để cung cấp thực phẩm cho gia đình thôi, nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, ông và bà con trong xã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích. Giờ thì nhà nào ở Bản Chỏn nói riêng, Phúc Sơn nói chung cũng trồng lạc, nhà ít 1 bung (1.000 m2), nhà nhiều 2-3 bung, trồng 2 vụ/năm, cây lạc đã trở thành cây chủ lực giúp bà con Phúc Sơn làm giàu. Giám đốc Hợp tác xã Phúc Sơn Ma Phúc Giải khẳng định, hiện tại hợp tác xã đang ký kết sản xuất và tiêu thụ lạc với 600 hộ dân trong xã Phúc Sơn, Minh Quang, Tân Mỹ với gần 1.000 ha ở cả 3 vụ lạc xuân, hè thu và lạc đông.

Trồng rừng sản xuất cũng đang được đầu tư theo chiều sâu, thông qua các chính sách hỗ trợ giống cây chất lượng cao, cấp chứng chỉ FSC và chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Trung bình mỗi năm tỉnh hỗ trợ trên 1.000 ha giống cây lâm nghiệp chất lượng cao gồm keo lai nuôi cấy mô, keo hạt ngoại cho các tổ chức, cá nhân hộ gia đình trồng rừng sản xuất.

Với những cơ chế, chính sách sát thực tế, nông nghiệp của tỉnh đã đi đúng hướng, nhiều vùng chuyên canh hàng hóa được hình thành. Toàn tỉnh hiện có trên 8.500 ha chè, trên 8.600 ha cam, trên 5.000 ha bưởi, 4.500 ha lạc, trên 246.000 ha rừng trồng sản xuất... Giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng trọt của tỉnh bình quân đạt 96 triệu đồng/ha/năm, cao nhất từ trước đến nay, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Trong đó, một số cây trồng đạt giá trị cao như cam đạt 197 triệu đồng/ha/năm; bưởi đạt 170 triệu đồng/ha/năm; lạc đạt 131,7 triệu đồng/ha/năm...

Tạo nền tảng bền vững

Sản xuất nông nghiệp đi đúng hướng, với khối lượng sản phẩm tạo ra hàng năm rất lớn. Chỉ tính riêng một số sản phẩm chủ lực như chè búp tươi trên 65.800 tấn/năm; khai thác gỗ rừng trồng đạt 700.000 m3/năm; cây ăn quả gần 150.000 tấn... Chưa kể một lượng lớn sản phẩm chăn nuôi đủ cung cấp nguồn thực phẩm cho tiêu dùng tại chỗ và các tỉnh lân cận. Từ 1 tỉnh chưa có tên trên bản đồ nông nghiệp hàng hóa, tỉnh ta đã có nhiều sản phẩm mang tầm cỡ khu vực, quốc gia. Điển hình như cam sành Hàm Yên, cá đặc sản sạch Na Hang, gỗ rừng trồng FSC... Đã có 79 sản phẩm được gắn sao OCOP.

Công ty Green Farm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) sử dụng nhà lưới trồng dưa Nhật đem lại thu nhập cao.

Sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa đã thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển, trong giai đoạn 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư 40 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản với tổng số vốn cam kết trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có một số nhà đầu tư lớn như: Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty cổ phần Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Hồ Toản... Hiện có 98 doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động/năm. Riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã có 9 nhà máy chế biến lớn gồm: Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa công suất chế biến 1.295.000 m3/năm; các nhà máy của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang 720.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tách Chiêm Hóa 10.000 m 3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang 25.000 m3/năm...

Tạo nền tảng cho công nghiệp chế biến, sản xuất nông nghiệp cũng đang tham gia vào một số ngành kinh tế khác, trong đó có du lịch, các tua du lịch nông nghiệp, trải nghiệm đang dần được hình thành, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng doanh thu dịch vụ cho ngành du lịch.

Trong chương trình làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tháng 9 vừa qua, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp tỉnh thể hiện hiệu quả vai trò nền tảng, trụ đỡ tạo điều kiện cho các ngành kinh tế phát triển. Do đó, trong thời gian tới phải sản xuất sạch hơn, phát triển một số sản phẩm mang thương hiệu quốc gia...

Theo đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển nông nghiệp hàng hóa; củng cố và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch. Đồng thời phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, khai thác tiềm năng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, nước, khí hậu và các lợi thế về sản xuất nông nghiệp hàng hóa để phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... nhằm nâng cao sức cạnh tranh và gia tăng giá trị sản phẩm; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, từng bước xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch và các ngành kinh tế khác.  

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục