Bưởi “made in Tuyên Quang” đi Singapore
Mất rất nhiều cuộc điện thoại chúng tôi mới hẹn gặp được vị Giám đốc Hợp tác xã rau, củ, quả hữu cơ Nhật Tân, xã Bình Xa (Hàm Yên) Trần Xuân Hạnh - người đầu tiên được biết đến đó là mang trái bưởi “Made Tuyên Quang” xuất khẩu vào thị trường Singapore, một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới.
Choáng ngợp về núi bưởi đang được các công nhân cẩn thận phân loại, đóng gói, vị Giám đốc Trần Xuân Hạnh cười lớn bảo, đây chỉ là một phần hàng cung ứng ra thị trường trong ngày của hợp tác xã, cao điểm từ 16 - 22 giờ hàng ngày những chuyến xe nườm nượp chở bưởi về rồi lại tỏa đi khắp các vùng miền, biên giới, hải cảng xuất khẩu. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 30 nghìn trái bưởi.
Theo lời vị giám đốc, bưởi xuất khẩu vào thị trường Singapore đòi hỏi rất khắt khe, ngặt nghèo, ngoài tiêu chuẩn về sản xuất an toàn, tất cả trái bưởi xuất khẩu cân đối về kích thước, màu sắc, mẫu mã 10 quả như 10. Trước khi đóng kiện xuất khẩu, bưởi sẽ được đưa vào dây chuyền xử lý loại bỏ hoàn toàn các tạp chất, vi sinh vật có hại có thể làm hư hại trái bưởi trong quá trình vận chuyển cũng như ngăn ngừa làm lây lan mầm bệnh gây hại trong nông nghiệp (nếu có). Quá trình xử lý từ khâu làm sạch đến bảo quản hoàn toàn sử dụng chế phẩm sinh học.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang tham quan một gian hàng OCOP Tuyên Quang.
Riêng đối với chất lượng bưởi xuất khẩu, trái bưởi phải đạt độ đường ở mức từ 10 - 12 độ, lượng đường cao hơn hay dưới mức cho phép đều phải quay đầu. Giám đốc Hợp tác xã Trần Xuân Hạnh bảo, mỗi năm, hợp tác xã rau, củ, quả Nhật Tân thu mua, cung ứng vào thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 60% sản lượng bưởi của tỉnh Tuyên Quang và huyện Bắc Quang - Hà Giang, tương đương với khoảng 4,5 triệu trái bưởi hoặc có thể nhiều hơn thế.
Trong đó, 70% tiêu thụ nội địa, chỉ khoảng 30% được xuất khẩu vào thị trường Singapore qua một đầu mối trung gian uy tín. Dù lượng hàng xuất khẩu không nhiều nhưng giá trị mang lại là vô cùng lớn, 1 trái bưởi vào thị trường Singapore có giá gấp 3 lần so với thị trường nội địa, hơn cả là giá trị về niềm tin, người tiêu dùng được đánh giá “khó tính” top đầu thế giới yên tâm, tin tưởng sử dụng. Đó cũng là cơ hội để không riêng sản phẩm bưởi và nhiều nông sản khác của miền đất xứ Tuyên hướng đến và chinh phục - ông Hạnh khẳng định.
Hiện thực hóa giấc mơ xuyên biên giới
Từ những cây chè cằn cỗi, một cuộc “cách mạng” của vị giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà Đặng Ngọc Phố đã giúp hàng trăm gốc chè cổ thụ ở xã Hồng Thái (Na Hang) phát huy giá trị.
Vốn là người con của núi rừng Hồng Thái, anh Phố luôn mong muốn lan tỏa hương vị sản phẩm của đồng bào mình với bạn bè, người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Anh Phố cười bảo, với mục tiêu nâng tầm giá trị chè Hồng Thái, anh đã tìm đến các cơ sở chè lâu năm tại Thái Nguyên, Hà Nội để học hỏi, mời những chuyên gia từ Hiệp hội chè về Hợp tác xã để đào tạo kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân cách trồng, chăm sóc cây chè, thu hoạch chè sao cho đúng để cây chè luôn đạt sản lượng cao nhất. Mỗi lần chuyên gia đến giảng dạy, anh lại đúc rút thêm những kinh nghiệm quý báu.
Sau nhiều năm tìm hướng phát triển, từ khi đổi mới tư duy và phương thức sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại và thực sự nắm rõ bí quyết sản xuất chè Shan tuyết, chất lượng chè của Hợp tác xã Sơn Trà đã bứt lên. Lần đầu tiên đồng bào Dao nơi thâm sơn, cùng cốc biết rằng, vẫn cây chè cổ thụ trăm năm đó, nhưng cách thu hái khác nhau sẽ chế biến được thành các sản phẩm trà khác nhau, đem lại giá trị cao gấp nhiều lần so với trước. 1 kg chè Shan tuyết Sơn Trà có giá lên tới hàng triệu đồng, thậm chí còn hơn nữa, chè càng nhiều tuổi càng quý, càng tăng thêm giá trị.
Dưa lưới - sản phẩm OCOP của huyện Sơn Dương được quảng bá tại Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang 2023.
Tháng 10 vừa qua, vùng chè Shan tuyết Hồng Thái đã được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Trên thực tế, sản phẩm đã được giới thiệu tại cửa hàng Việt ở hai thị trường Pháp và Mỹ, hương vị chè Shan tuyết nơi núi rừng Hồng Thái đã lan tỏa khắp các châu lục - Giám đốc Hợp tác xã Đặng Ngọc Phố cười mãn nguyện.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 192 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó 1 sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái đang chờ Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá bình chọn tiêu chuẩn 5 sao. Chứng nhận sản phẩm OCOP, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp mã số cho 11 vùng cây trồng, trong đó 9 mã số gồm: bưởi, chè, thanh long... đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU, Singapore và thị trường chính ngạch của Trung Quốc.
Ngày 19-11, Hội nghị Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng tỉnh Tuyên Quang năm 2023 do Sở Công thương tổ chức, Chủ tịch Liên minh xúc tiến ACTONE Global Quốc tế tại Việt Nam Vũ Thị Oanh chia sẻ, Liên minh đang hỗ trợ các hợp tác xã trái cây của Tuyên Quang giới thiệu sản phẩm ra thị trường các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore... Mục tiêu của Liên minh là mở đường và đưa các sản phẩm đặc hữu của Tuyên Quang vào thị trường nhiều tiềm năng này. Giấc mơ đưa nông sản Tuyên Quang xuất khẩu của những người nông dân đã thành hiện thực.
Gửi phản hồi
In bài viết