Cô dâu của bản
Trưởng thôn Phương Thị Bích Ngọc. |
Ngọc là cô gái Tày ở xã Bạch Xa. Năm 2010, vì yêu mà chị chọn Minh Hà làm quê hương thứ hai của mình. Ngày mới đến làm dâu ở Minh Hà, Ngọc chỉ nghĩ an phận làm người vợ biết chăm chồng chăm con, làm con dâu thảo hiền với bố mẹ.
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khương Nguyễn Văn Đạt bảo, ở Minh Hà chủ yếu là đồng bào Tày, chia làm 3 họ lớn. Do nhiều nguyên nhân, tính cục bộ ở các dòng họ vẫn tồn tại, khiến tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm ở Minh Hà còn chưa cao.
Đây cũng là điều mà khi về làm dâu, Phương Thị Bích Ngọc bỡ ngỡ nhất. Ngọc bảo, ở Bạch Xa, bà con sống hiền hòa và đơn thuần, cả làng như người một nhà vậy. Ngày về làm dâu, nghe người già kể những câu chuyện khúc mắc, Ngọc vừa buồn cười, vừa e ngại. Là bởi, những khúc mắc nghe thì rất nhỏ nhặt, chỉ là câu chuyện mất buồng chuối, quả dứa, con gà, nhưng để lâu ngày, mối nọ dồn mối kia, thành ra mâu thuẫn lớn, đến độ dòng họ này "kiềng" nhìn mặt dòng họ kia.
Năm 2022, khi Minh Hà bầu Trưởng thôn mới, Phương Thị Bích Ngọc được bà con tín nhiệm bầu giữ trọng trách người dẫn dắt. Ngọc bảo, lúc được bầu với số phiếu tuyệt đối, bản thân chị cũng bất ngờ lắm. Nhưng sau này, khi nghe các bà, các ông cao niên trong làng bảo, họ tin tưởng một người trẻ, nhiệt huyết sẽ xóa đi rào cản giữa các dòng họ đã truyền đời nhiều thế hệ ở Minh Hà và thổi luồng gió mới vào mọi hoạt động của thôn bản, Ngọc càng thêm tự tin và cảm thấy mình phải có trách nhiệm với mọi công việc chung của thôn, của bản.
Năm 2022, năm đầu tiên làm "nữ tướng" của bản, Minh Hà có kế hoạch xóa 4 ngôi nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo của bản. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nữ Trưởng thôn Phương Thị Bích Ngọc gần như "bám" ở từng nhà từ lúc dỡ nhà đến khi hoàn thành. Ngọc bảo, 4 hộ gia đình được hỗ trợ đều là những hộ còn rất nhiều khó khăn. Nhiều nhà, như nhà ông Mã Văn Dung ở cách xa trung tâm, không có đường ô tô đến nhà, để vận chuyển vật liệu, Phương Thị Bích Ngọc đứng ra vận động bà con chòm xóm chạy xe máy hỗ trợ chở vật liệu từ đường vào nhà. Bản thân chị cũng gồng gánh từng chuyến xe, chở xi măng, chở cát... Thấy Trưởng thôn nữ không tiếc sức mình vì việc chung, bà con không ai bảo ai, ai hỗ trợ được gì thì hỗ trợ việc đấy.
Ngày nhìn ông Mã Văn Dung rưng rưng nước mắt khi lần đầu tiên trong đời được sống trong một ngôi nhà 3 cứng, chị thấy công sức mình bỏ ra là xứng đáng.
Vụ mùa vừa rồi, đúng thời điểm gặt thì bà Nguyễn Thị Nhân phải đi viện điều trị dài ngày, chồng bà - ông Mã Văn Phát - bị tai biến đã nằm một chỗ từ lâu. Thấy vậy, chị Ngọc lại đứng ra kêu gọi mọi người góp ngày công, hỗ trợ gia đình gặt lúa, tuốt rồi phơi khô để ông bà yên tâm điều trị bệnh.
Từng việc nhỏ, chị Ngọc tận tụy như việc của nhà mình. Tình yêu, niềm tin của dân bản với nữ Trưởng thôn ấy cũng dần được bồi đắp qua từng ngày như thế.
Đến gỡ việc khó
Chuyện làm đường bê tông nông thôn ở Minh Hà từng là "việc khó” ở Minh Khương. Trước đây, nhiều đầu điểm công trình theo đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn được đưa về thôn, nhưng vì không thống nhất được giữa các họ lớn trong thôn, không vận động được người dân hiến đất, bàn giao mặt bằng… mà các đầu điểm cuối cùng phải chuyển đến các thôn, bản khác của xã. Minh Hà, sau nhiều năm, chưa làm được tuyến đường bê tông nông thôn nào.
Khi được bầu làm Trưởng thôn, Phương Thị Bích Ngọc cùng với Ban phát triển thôn bản họp với các họ lớn trong thôn, vừa để tìm hiểu những mối bất đồng, vừa khéo léo đưa những quy ước, hương ước của thôn bản về lối sống, về tình đoàn kết… để gỡ dần những nút thắt trong mỗi dòng họ và bản thân những trưởng họ cao tuổi. Chị cũng tranh thủ chuyện trò với những người trẻ, hiểu biết trong từng dòng họ, để nói về lợi ích chung, sao cho câu chuyện bất đồng nhiều thế hệ từng bước được gỡ ra.
Nhờ khéo vận động của Trưởng thôn Phương Thị Bích Ngọc, tuyến đường bê tông mới ở Minh Hà đã hoàn thành sau nhiều năm vướng không thi công được.
Khi những nút thắt trong mỗi họ dần được gỡ bỏ, Minh Hà lần lượt hoàn thành hơn 1.700 mét đường bê tông. Trong đó 1.000 mét đường được Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ và 700 mét theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhiều nhà, khi mới vận động hiến đất làm đường, cũng khó khăn lắm. Khi trong lòng họ mới nảy sinh tính toán thiệt hơn, thì bà con trong làng người nói ra người nói vào, khiến trong lòng họ có cảm giác bị cô lập và càng "xù lông" lên để tự bảo vệ mình. Ngọc phải họp nhóm gia đình kia lại, kiên quyết dẹp những lời bàn tán, rồi chị tự mình đến nhà, vừa nhỏ nhẹ chuyện trò, vừa thuyết phục, vận động. 2 ngày sau thì gia đình đồng ý, sẵn sàng chặt bỏ cả 1 hàng cọ và lùi tường rào vào sâu hơn 3 mét để con đường được mở rộng, nắn thẳng.
Có đường bê tông phẳng lỳ, nữ Trưởng thôn Phương Thị Bích Ngọc lại vận động bà con làm tuyến đường Thắp sáng đường quê, để Minh Hà từng bước mang dáng dấp một phố thị nhỏ, chứ không đìu hiu như trước đây nữa. Tuyến đường điện dự kiến 400 mét, đi qua 10 nhóm hộ trong thôn. Ngay khi vừa có chủ trương, các hộ đã sẵn sàng đóng góp mỗi hộ 600 nghìn đồng để dựng cột, mua dây, bóng điện và sẵn sàng cả chi phí bảo trì, bảo dưỡng về lâu dài…
Nữ Trưởng thôn Phương Thị Bích Ngọc chia sẻ, điều Minh Hà cần nhất bây giờ là nguồn điện và sóng điện thoại ổn định để phục vụ sản xuất sinh hoạt, tiếp cận thông tin. Được thế thì Minh Hà sẽ "thay áo mới" trong tương lai rất gần thôi.
Gửi phản hồi
In bài viết