Với xe cũ, nhất là dòng từ 10 năm tuổi trở lên lại khá đa dạng về chủng loại, thương hiệu, giá bán. Chỉ khoảng 200 triệu đồng đã có thể mua được xe 5-7 chỗ, thậm chí trang bị số tự động. Anh Trần Huy Phong (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) là một người đi theo lựa chọn như vậy.
Ngại đi xa vì sợ nằm đường
Anh Phong nhớ lại thời điểm tháng 4/2019, anh đã rất vui mừng vì được một người bạn giới thiệu mua chiếc Mazda Premacy đời 2004 mới qua một đời chủ, giá khá "mềm" chỉ 190 triệu đồng. Chiếc xe vừa đủ khoản tiền tiết kiệm dự định mua trả góp ô tô, vì vậy anh khá hoan hỷ. Tháng đầu cầm chiếc ô tô đầu tiên của mình, anh Phong liên tục đưa vợ con đi loanh quanh, rồi về quê thăm họ hàng. Nhưng vốn là người cẩn thận, anh chưa dám đi xa vì thấy chiếc xe dù chưa thấy lỗi lầm gì nhưng tuổi của nó cũng bằng cô con gái học cấp 3 ở nhà, nhỡ đâu "ẩm ương" dọc đường thì mệt.
Sự lo xa của anh Phong tăng lên sau nửa năm, chiếc xe có dấu hiệu bất thường với tiếng gõ lạ phía buồng máy, xe chuyển số không mượt. Lân la lên các hội xe cũ nhờ đọc bệnh, anh Phong được chỉ dẫn đến một gara sửa xe. Vừa nghe tiếng máy, người thợ phán ngay: "phải bổ máy đại tu rồi, chạy thêm thời gian nữa căng đấy". Kết quả cuộc "đại phẫu" đầu tiên của chiếc ô tô đầu đời đã "rút ví" của anh Phong khoảng 30 triệu đồng gồm chi phí bổ máy đại tu, thay lọc dầu và bảo dưỡng hộp số.
"Chiếc xe lúc mới mua chạy rất sướng, nhẹ và bốc. Tôi chăm hơn con, thay dầu máy và đem đi bảo dưỡng ngay khi trả hết tiền cho chủ xe, bẩn chút là đem đi rửa. Thế mà nó vẫn lấy của tôi thêm mấy chục triệu trong chưa đến một năm. Cách đây mấy tháng, xe bị hở gioăng mặt máy vì két nước bị bục, mất thêm gần 2 triệu nữa để khắc phục. Đâm ra bây giờ tôi tụt hẳn ý định đưa vợ con đi chơi Tây Bắc như đã ấp ủ bấy lâu. Sợ xe nằm đường lại khổ vợ con", anh Phong bộc bạch.
Những lo lắng như anh Phong không phải hiếm thấy, mà nó là tâm lý của phần lớn người lần đầu dùng xe cũ tuổi đời cao. Anh Phan Văn Quyết (Tây Hồ, Hà Nội), chủ chiếc Suzuki Vitara đời 2005 sau một năm mua xe về cũng vài phen nằm đường. Anh kể: "Lần chạy Hà Nội đi Thanh Hóa tôi hết hồn vì dây cua roa trục cam đứt giữa đường, tìm hết hơi không có gara nào mở cửa phải chờ hôm sau mới đi sửa được. Sau đợt đó, xe cũng lần lượt phải thay thế các chi tiết khác như dây ti-ô phanh, lọc xăng, cao su chân máy, cảm biến lưu lượng gió...". Chính vì những hỏng lặt vặt vài tháng lại gặp, anh Quyết đâm ra dè chừng, không dám đi xa, hoặc khi đi cũng phải hỏi han kỹ xem trên đường có những gara sửa xe nào để "dắt túi".
Trên các hội nhóm dùng ô tô cũ, chủ đề được quan tâm hàng đầu và cũng "chiếm sóng" nhiều nhất vẫn là các "bệnh" thường gặp của loại xe đang chạy. Họ thường chia sẻ những câu chuyện từ bản thân và kinh nghiệm đúc kết được. Có người lâu dần bỗng thuộc vanh vách các phụ tùng, đọc lỗi xe như...thợ.
Xe cũ vẫn đi xuyên Việt được, nhưng cần lưu ý những điều sau
Chia sẻ với VietNamNet, anh Huỳnh Trọng Nhân, chủ gara ô tô Trọng Nhân (phố Lạc Nghiệp, Hà Nội) cho rằng người dùng ô tô cũ vẫn có thể sử dụng chiếc xe 10, 15 thậm chí trên 20 năm tuổi bình thường nếu chiếc xe đó được bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên ở cơ sở uy tín.
"Chiếc ô tô cũng như cơ thể con người. Nếu trên 10 năm tuổi cũng là qua thời điểm khấu hao xe đã lâu bởi thường các hãng xe chỉ bảo hành 3 đến 5 năm hoặc theo số km. Vì vậy, dù giữ gìn đến đâu thì vẫn có những bộ phận theo thời gian sẽ hư hại, cần thay thế", anh Nhân nói.
Lý giải về trường hợp chiếc xe của anh Phong như đầu bài viết dù chủ mới chăm chút nhưng vẫn phải bổ máy đại tu, anh Nhân nhận định: "Vì chiếc xe đã 16 năm tuổi, kể cả chỉ một đời chủ sử dụng nhưng đã quá lâu để chủ xe còn lưu lại các thông tin bảo dưỡng sửa chữa. Muốn biết chiếc xe còn hoạt động tốt đến đâu cần phải kiểm tra tổng thể, không đơn giản là khám qua loa một vài hạng mục như khi mua xe cũ. Những xe quá cũ, trong động cơ không tránh khỏi dầu nhớt két cặn theo thời gian, độ khít thành pít-tông không tốt, sẽ cần mở máy để đại tu lại".
Thông thường một gói kiểm tra tổng thể tại cơ sở của anh Nhân sẽ tốn từ 1 triệu đồng trở lên tùy theo loại xe, đời xe và các kỹ thuật viên mất một ngày để đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng chiếc xe. Theo anh Nhân, chủ xe cũ không nên tiếc tiền thay thế phụ tùng đã cũ hỏng, bởi khi nó hoạt động không ổn định, sẽ kéo theo những hư hỏng khác.
Với xe con trên 12 năm tuổi hiện nay theo quy định đều phải đăng kiểm 6 tháng/lần. Đây cũng là dấu mốc phù hợp để các chủ xe nên đi khám tổng thể mỗi năm 2 lần, không chỉ giúp chiếc xe đạt điều kiện đăng kiểm lưu hành mà còn an toàn cho chính bản thân. Tuy nhiên không phải chủ xe nào cũng có thói quen này.
Kỹ sư Lê Văn Tạch, chủ gara ô tô Lê Văn Tạch ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc kể câu chuyện về trường hợp khách hàng của mình "mất oan" tiền chỉ vì không để tâm đến tình trạng của xe. Đó là một chiếc Kia Morning Van chưa đến 10 năm tuổi nhưng quá trình sử dụng, chủ xe không để tâm đến nguyên nhân hao hụt nước khiến bình cạn, nóng động cơ dẫn tới bó biên, phải tốn khoảng 13 triệu đồng làm lại bộ hơi, chỉnh lại máy. "Người sử dụng xe dù mới hay cũ thì đều nên có kỹ năng đơn giản nhất là biết kiểm tra mức độ hao hụt dầu nhớt động cơ, hộp số, nước làm mát. Nếu thấy sự bất thường sẽ đưa xe đi xử lý sớm, tránh việc phải nằm đường không đáng có", kỹ sư Tạch nói.
Bên cạnh việc học tìm hiểu cách thăm khám xe thường xuyên, nhiều chủ xe cũ đã tự tìm kiếm những gara "chuyên bắt mạch" cho loại xe mình sử dụng. Anh Nguyễn Tiến Trường (Thanh Trì, Hà Nội) sau khi kinh qua nhiều gara cả lớn lẫn nhỏ đã "kết" một tiệm sửa xe nhỏ ở Phú Diễn chỉ vì ông chủ kiêm thợ chính ở đây có thể xử lý hết những lỗi vặt vãnh chiếc Mazda Premacy 2003 của mình.
"Gara lớn thì nhiều chủng loại xe nên thợ họ sẽ không quá chú tâm để tìm cách dứt điểm lỗi trên một chiếc xe quá cũ. Vì vậy khi tìm đúng thầy, tôi sẽ không đổi tiệm sửa xe cho đến khi mình mua xe khác", anh Trường chia sẻ kinh nghiệm. Mới đây, sau khi gửi khám tổng quát ở tiệm sửa quen hết một ngày, anh Trường đã tự tin chạy một mạch từ Hà Nội ra Đà Nẵng và chiếc xe không làm anh phải thất vọng.
Gửi phản hồi
In bài viết