Xe ô tô Nga từng là hình ảnh quen thuộc trên đường phố Việt Nam trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX.
Cuối những năm 90, thị trường ô tô Việt ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu và mẫu xe mới từ các quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... khiến ô tô Nga dần mất đi vị thế. Dù vậy, trong ký ức của nhiều người Việt, những chiếc xe của các thương hiệu UAZ, Volga, GAZ, Lada... vẫn tồn tại.
Sự trở lại của xe Volga hiện đại được đánh dấu với 3 mẫu xe mới tại triển lãm ở Nizhny Novgorod (Nga) cuối tháng 5-2024.
Ảnh: Volga
Trước tiên phải kể đến Volga - mẫu xe đọng lại nhiều ký ức trong tâm trí người Việt như một biểu tượng của sự sang trọng và quyền lực. Thế hệ đầu tiên Volga M-24 (1970-1975) cũng là đời xe được dùng nhiều tại Việt Nam. Đôi khi được gọi là "Xe bộ trưởng", Volga M-24 sánh ngang Mercedes-Benz E-Class hay Toyota Camry ngày nay.
Xe có những đặc điểm như trục cơ sở dài, ghế xô với chân đế thấp hơn và mái bằng nên khá rộng rãi bên trong. Động cơ xe Volga M-24 là loại 4 xilanh, chế hòa khí đôi, dung tích 2.445cc sản sinh công suất cực đại 95 mã lực. Xe chỉ có một hộp số tay 4 tốc độ.
Hiện tại, Volga M-24 vẫn là một mẫu ô tô Nga có giá trị sưu tầm cao ở Việt Nam. Với xe còn đẹp, giá có thể lên tới 200 triệu đồng.
UAZ cũng là cái tên quen thuộc không kém, với đại diện nổi bật là UAZ-469, thường được gọi là "U oát" ở Việt Nam. Đây có lẽ là một trong những hình ảnh khó quên nhất về một thời ô tô Nga phổ biến ở Việt Nam.
Xe UAZ-469 ở Việt Nam phần lớn được sản xuất từ năm 1973, nhập khẩu trực tiếp từ Liên Xô. Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, chỉ có xe UAZ-469 là dễ dàng lăn bánh khắp mọi nơi trên cả nước nhờ đặc điểm máy khỏe, gầm cao, hai cầu.
UAZ-469 được dùng nhiều trong quân đội và các cơ quan nhà nước. Xe có kích thước dài 4,025m, rộng 1,785m và cao 2,05m cùng chiều dài cơ sở 2,38m, nặng khoảng 1.650kg, dùng động cơ dung tích 2.450cc, công suất 75 mã lực, mô-men xoắn 166,7Nm đi cùng có hộp số tay 4 cấp và hộp số phụ cài cầu.
Ngày nay, UAZ-469 vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trên đường phố, từ các cơ quan quân đội, cho tới các giải đua xe địa hình. Nhiều mẫu xe còn được cải tiến để phục vụ chở khách du lịch.
Năm 1958, Nhà máy UAZ cho ra đời mẫu xe tải nhẹ và xe van UAZ-450, đến năm 1965 thì ra mắt biến thể xe chở khách UAZ-452. Với kiểu dáng hai đầu tròn và thân dài, UAZ-450 từng được coi như dòng microbus của Volkswagen.
UAZ-452 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau đó tiếp tục được sử dụng nhiều trong giai đoạn xây dựng đất nước sau chiến tranh. Phần lớn số xe này được biên chế trong quân đội làm xe cứu thương, ngoài ra còn dùng cho bưu điện, ngành điện lực.
Đến thập niên 1990, nhiều xe UAZ-452 thanh lý được chuyển lên các tỉnh miền núi dùng để chở khách và vận chuyển nông sản. Xe dài 4,44m, rộng 1,94m, cao 2,24m, trọng lượng 1.900kg. Xe được trang bị động cơ xăng dung tích 2.445 cc, công suất 90 mã lực, hộp số sàn 4 cấp và có cần số cài cầu. Ngày nay do nhiều yếu tố, đa phần những chiếc UAZ-450/452 đã không còn được sử dụng.
Một chiếc GAZ-69 ở trạng thái "sưu tầm" (như mới) được dân chơi xe rao bán hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Tạp chí Giao thông
Về phần mình, Lada Niva là một cái tên gây "thương nhớ" khác. Mẫu SUV cỡ nhỏ này được sản xuất từ năm 1986 và được nhập khẩu về nước cho đến đầu thập niên 90. Xe có kích thước khá nhỏ, dài 3,74m, rộng 1,68m và cao 1,64m, cùng chiều dài cơ sở 2,2m, tức chỉ nhỉnh hơn một chút so với mẫu xe đô thị cỡ A ngày nay.
Động cơ Lada Niva nhập vào Việt Nam là loại 1.6L, công suất 75 mã lực đi cùng hộp số sàn 4 cấp. Phần lớn xe có sẵn bộ số tay cài cầu 4x4. Ngày nay, nhiều người vẫn tìm mua Lada Niva như một món đồ chơi hoài cổ.
Một mẫu xe khác của Lada là chiếc sedan cỡ nhỏ 1600 được ra mắt vào năm 1979. Xe có 4 chỗ ngồi, dài 4,09m, rộng 1,61m và cao 1,37m, chiều dài cơ sở 2,425m, trọng lượng nhỉnh hơn 1 tấn, động cơ 1.6L, công suất 75 mã lực và hộp số sàn 4 cấp.
Với thiết kế trẻ trung, hiện đại, khả năng vận hành ổn định và giá hợp lý, Lada 1600 được sử dụng phổ biến cho nhiều nhu cầu di chuyển. Ngày nay, xe không còn được sản xuất nhưng vẫn được nhiều người yêu thích và sưu tầm.
Ngoài những mẫu tiêu biểu trên, còn có rất nhiều dòng ô tô Nga khác từng xuất hiện và để lại nhiều dấu ấn tại Việt Nam trong thế kỷ XX như GAZ-69, ZIL-130, Moskvich 412...
Dĩ nhiên, hành trình của những mẫu ô tô Nga tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở đó. Năm 2017, một doanh nghiệp đã từng cố gắng đưa các mẫu UAZ hiện đại về nước, với hai phiên bản là Hunter và Patriot.
Tuy dự án táo bạo này gây được tiếng vang nhưng không đạt mục tiêu doanh số do thiết kế xe chưa thật sự phù hợp thị hiếu.
Năm 2024, với sự hỗ trợ của Changan Automobile (Trung Quốc), sự trở lại của Volga tại Nga với ba mẫu sản phẩm hiện đại một lần nữa dấy lên niềm hy vọng cho ngành công nghiệp bốn bánh Xứ Bạch dương. Dĩ nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể là đích đến tiềm năng của những chiếc xe "Made in Russia" trong tương lai.
Nhìn chung, dù không còn phổ biến như thế kỷ trước, ô tô Nga vẫn luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng người Việt Nam, là biểu tượng cho một thời kỳ lịch sử, cho sự gắn bó giữa hai đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết