Ảnh minh họa.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3-2023, lượng ô tô nhập khẩu ước đạt 15.000 chiếc, tương ứng là mức giá trị kim ngạch 332 triệu USD, tăng 48,8% về lượng và tăng 48,5% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
Cộng dồn ba tháng đầu năm, đã có 41.780 xe ô tô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu về nước, đạt tổng trị giá 903 triệu USD. Như vậy, mức nhập khẩu tăng 76% về lượng và tăng 60,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây có thể xem là một hiện tượng lạ, khi lượng xe về nước trái ngược với logic diễn biến không mấy sáng sủa của thị trường ô tô, vốn được dự báo sẽ rất ảm đạm trong năm 2023.
Theo ý kiến từ giới chuyên môn, việc lượng xe nhập khẩu tăng mạnh lúc này do “quán tính” kéo dài từ nửa cuối năm ngoái. Nói cách khác, số xe lúc này về chủ yếu là lượng hàng nhận theo các đơn hàng đã ký từ nửa sau năm ngoái thời điểm các doanh nghiệp ra sức tìm kiếm nguồn cung để đảm bảo nhu cầu thị trường.
Đây là tình trạng khá đáng ngại, khi cung vượt quá cầu. Thực tế, trong 2 tháng đầu năm, sức mua ô tô trên toàn thị trường duy trì ở mức khá thấp. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính mức cộng dồn từ đầu năm, lượng xe bán ra chỉ đạt 34.543 xe, thấp hơn đáng kể so với mức cùng kỳ năm 2022 là 50.775 xe (giảm 32%).
Cũng theo thống kê chưa đầy đủ, hiện các đơn vị kinh doanh ô tô trong nước đang tồn kho ít nhất 38.000 xe các loại. Theo nhóm các hãng xe nhập khẩu chính hãng (VIVA), từ tháng 10 đến tháng 12-2022, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) đã tăng gấp ba lần, nhưng lượng bán lại giảm mạnh. Thực trạng này dẫn tới dư tồn kho diễn ra nghiêm trọng, tạo áp lực tài chính lớn.
Đây là một trong những lý do nhóm các hãng xe nhập khẩu chính hãng (VIVA) mới đây có văn bản đề nghị được ưu đãi lệ phí trước bạ như một hình thức “giải cứu”. VIVA thậm chí nhấn mạnh, nếu không có sự hỗ trợ phí trước bạ, chỉ một số nhà nhập khẩu và đại lý có thể trụ vững trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết