Ông Prayut Chan-o-cha phát biểu tại cuộc họp của đảng UTN. (Ảnh: Thairath)
Đề cử được ban lãnh đạo UTN đưa ra trong hội nghị của đảng, được tổ chức nhằm giới thiệu các ứng cử viên của Đảng và giúp các ứng cử viên tiềm năng làm quen với các quy tắc bầu cử. Ông Prayut cảm ơn UTN đã tin tưởng đề cử ông làm ứng cử viên Thủ tướng thứ nhất của đảng. Ông tuyên bố chấp nhận đề cử này và sẵn sàng trở lại vị trí Thủ tướng để dẫn dắt Chính phủ Thái Lan trong hai năm tiếp theo.
Sau đó, ông đã đề cử lãnh đạo UTN Pirapan Salirathavibhaga sẽ là ứng cử viên Thủ tướng thứ hai của đảng và ông này đã chấp nhận đề cử. Theo quy định của luật pháp Thái Lan, mỗi đảng phái tham gia cuộc bầu cử có từ 25 nghị sĩ trở lên có thể đề cử tối đa ba ứng cử viên cho vị trí thủ tướng.
Ông Prayut cũng nói thêm rằng, là một đảng chính trị mới thành lập, UTN sẽ quyết tâm giành số ghế tối đa trong Hạ viện mới của Thái Lan. Ông nói: “Chúng ta không phải là những gương mặt mới. Tôi đã là Thủ tướng trong nhiều năm. Các thành viên trong đảng cũng là các cựu Phó Thủ tướng, thành viên chính phủ và đạt được vô số thành tựu”. Ông bày tỏ tin tưởng rằng Đảng Quốc gia Thái thống nhất sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Ông Pirapan nhấn mạnh, cuộc tổng tuyển cử sẽ không chỉ bầu ra các Hạ nghị sĩ mà còn tìm kiếm một nhà lãnh đạo đất nước, vạch ra hướng đi cho cả đất nước.
Cùng ngày, UTN đã công bố 400 ứng cử viên tranh cử tại tất cả các đơn vị bầu cử trên cả nước. Tổng Thư ký UTN Akanat Promphan cho biết, đảng này đã chiêu mộ một số chính trị gia kỳ cựu để dẫn dắt chiến dịch bầu cử ở thủ đô Bangkok và các khu vực khác, nỗ lực giành 33 ghế Hạ viện theo đơn vị bầu cử.
Liên quan tới cuộc bầu cử Thái Lan, từ hôm nay (26/3) đến 9/4, các cử tri Thái Lan đủ điều kiện đã bắt đầu được phép đăng ký bỏ phiếu ngoài khu vực và không đúng ngày bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào ngày 14/5 tới.
Theo đó, để đáp ứng điều kiện, cử tri phải là công dân Thái Lan, từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày bầu cử và đã được đưa vào danh sách cử tri tại một khu vực bầu cử nhất định. Người nhập tịch phải có quốc tịch ít nhất 5 năm. Các tu sĩ, linh mục, tù nhân và những người bị tước quyền bầu cử đều bị cấm tham gia bỏ phiếu.
Dự kiến, ngày 29/3, các đại sứ quán và lãnh sự quán Thái Lan ở các nước trên thế giới sẽ công bố thời gian và địa điểm bỏ phiếu cho người Thái Lan đang sống ở nước ngoài.
Gửi phản hồi
In bài viết