Ông Anwaar-ul-Haq Kakar (bên trái) tuyên thệ với tư cách là Thủ tướng tạm quyền của Pakistan trong buổi lễ
ở Islamabad, ngày 14-8.
Trước đó, Tổng thống Arif Alvi đã chấp thuận khuyến nghị của Thủ tướng Shehbaz Sharif về việc giải tán Quốc hội nước này, 3 ngày trước khi cơ quan lập pháp kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vào ngày 12-8.
Tổng thống Arif Alvi đã chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng tạm quyền cho ông Anwaar-ul-Haq Kakar, 52 tuổi, trong một buổi lễ đơn giản được tổ chức tại Phủ Tổng thống. Ông Kakar trở thành Thủ tướng tạm quyền thứ tám của Pakistan. Đến từ tỉnh Balochistan, ông Kakar được bầu vào Thượng viện năm 2018. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc đồng sáng lập Đảng Awami Balochistan (BAP), một thực thể chính trị mới tại Pakistan. Ông Anwaar-ul-Haq Kakar có nhiệm vụ thành lập nội các, đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế cho đến khi chính phủ mới được bầu.
Lễ tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng tạm quyền Pakistan diễn ra trong bối cảnh bất ổn chính trị tại quốc gia này ngày càng sâu sắc, kể từ khi ông Imran Khan bị cách chức Thủ tướng sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 4-2022. Các nhà phân tích nhận định, ông Imran Khan có thể trở lại vị trí Thủ tướng nếu Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) do ông lãnh đạo được ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri trong cuộc bầu cử tới.
Thách thức lớn nhất đối với ông Anwaar-ul-Haq Kakar trong vai trò Thủ tướng tạm quyền sẽ là tổ chức bầu cử đúng thời hạn. Chính phủ tạm quyền, theo hiến pháp của Pakistan, phải tổ chức bầu cử trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, đầu tháng này, Chính phủ Pakistan cho biết, Ủy ban Bầu cử cần thời gian để xác định lại ranh giới các khu vực bầu cử, sau đó mới có thể ấn định ngày bầu cử. Hoạt động này ở một quốc gia có 241 triệu dân có thể mất ít nhất 6 tháng hoặc hơn. Điều này cũng có thể liên quan đến việc các ứng cử viên tranh tụng về việc hình thành các khu vực bầu cử mới và dựa vào đó, có thể lùi ngày bỏ phiếu.
Theo các nhà phân tích, Chính phủ và quân đội dường như muốn có thêm thời gian trước cuộc bầu cử - có lẽ để bảo đảm rằng, ông Imran Khan có thể bị truy tố trong các vụ án mà ông có liên quan cũng như để Chính phủ tạm quyền đưa ra quyết định kinh tế theo các quy định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Ổn định kinh tế là một thách thức khác mà ông Kakar phải đối mặt. Nền kinh tế của Pakistan đang trong tình trạng ảm đạm và trên bờ vực vỡ nợ trước khi IMF cứu trợ quốc gia này. Pakistan đã trải qua một cuộc suy thoái kinh tế lớn trong 5 năm qua: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người dưới mức 1.600 USD; tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4% năm 2018 lên gần 8% năm 2023; lạm phát đạt mức cao nhất trong 50 năm và dự trữ ngoại hối giảm nhanh chóng. Sự suy thoái này có nhiều nguyên nhân và chính trị trong nước đóng một vai trò quan trọng. Chẳng hạn, sau khi nhậm chức, ông Khan đã từ chối tìm kiếm chương trình hỗ trợ của IMF bất chấp vấn đề cán cân thanh toán đang gia tăng, đồng thời nói "không" với những cải cách quan trọng, khiến chương trình của IMF bị đình trệ.
Sự thay đổi Chính phủ vào năm 2022 làm dấy lên kỳ vọng rằng Pakistan có thể áp dụng các chính sách kinh tế thận trọng hơn. Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif đã chần chừ trong việc đảo ngược các chính sách của ông Khan và khôi phục thỏa thuận với IMF. Sự do dự này và các biện pháp kinh tế nửa vời đã đẩy nhanh tình trạng suy thoái, đưa Pakistan đến bờ vực vỡ nợ trước khi đạt được thỏa thuận vào phút cuối với IMF về một chương trình ngắn hạn được ký kết vào tháng 6-2023. IMF đã phê duyệt gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD cho Islamabad để giúp ổn định nền kinh tế đang chững lại.
Lý thuyết về sự ổn định là một cuộc bầu cử được tổ chức đúng lịch trình sẽ tạo không gian chính trị để đưa ra những lựa chọn cần thiết nhằm cải thiện nền kinh tế và an ninh của Pakistan. Các nhà phân tích cảnh báo rằng, bất kỳ sự trì hoãn nào cũng có thể kích động sự bất mãn của công chúng và tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Thế nên khó khăn hàng đầu mà Thủ tướng tạm quyền Anwaar-ul-Haq Kakar phải chèo lái là ổn định nền kinh tế trị giá 350 tỷ USD trên con đường phục hồi.
Gửi phản hồi
In bài viết