Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực quan trọng này là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Những luận điệu chống phá
Các thế lực thù địch cho rằng, chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng ta là viển vông, hay Đảng ta không quan tâm đến phát triển văn hóa, phát triển con người, có chăng cũng chỉ là hình thức, mị dân… Cùng với đó, chúng đẩy mạnh truyền bá văn hóa, lối sống thực dụng, vụ lợi cá nhân, núp dưới chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do sáng tác”, “quyền thông tin” để kích động các quyền “tự do”, “dân chủ” trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng; tung ra những quan điểm sai trái, mập mờ về bản chất của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa; thay đổi, sắp xếp để xuyên tạc câu chữ, những lời phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa; lợi dụng các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa để thâm nhập, phá hoại văn hóa Việt Nam…
Điều dễ nhận thấy rằng, mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch không hề thay đổi, vẫn nhằm phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng của văn hóa; tiêm nhiễm làm xói mòn, lệch chuẩn văn hóa truyền thống, các giá trị đạo đức, nhân ái, nhân văn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử; kích thích tâm lý, lối sống thực dụng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tiến tới đích cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Cơ sở để đấu tranh, phản bác
Nền văn hóa Việt Nam đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Nhận thức sâu sắc giá trị cốt lõi đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Chủ trương, đường lối của Đảng trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện rõ ở Nghị quyết số 05-NQ/TƯ, ngày 28-11-1987 của Bộ Chính trị (khóa VI) về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”; Nghị quyết số 03-NQ/TƯ, ngày 16-7-1998 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”[1] . Như vậy, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là chủ trương mang tầm chiến lược của Đảng, phù hợp với thực tiễn lịch sử và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới.
Tiếp tục nhấn mạnh chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao... Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”[2] .
Sau bài viết này, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đồng chí đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán về đường lối xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ mới với niềm tin chắc chắn, rằng: “Nhất định chúng ta sẽ xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”[3] .
Thực hiện chủ trương của Đảng, quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến hết năm 2018, Việt Nam có gần 3.500 di tích được xếp hạng quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hơn 3 triệu di vật, cổ vật có giá trị đang được bảo quản, trưng bày tại hệ thống 166 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội được lưu truyền gắn với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục... Trong đó, nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng nhằm bảo đảm tính đa dạng, phong phú về sắc thái văn hóa của các vùng, miền trên cả nước. Những con số này tiếp tục tăng lên trong các năm 2023, 2024.
Cùng với đó, văn hóa trong chính trị và trong kinh tế ngày càng được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Các loại hình, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành.
Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được biểu dương, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa và các giá trị tiến bộ của văn hóa nhân loại để bồi đắp và xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Thực tiễn đó là câu trả lời đanh thép, bác bỏ tất cả những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Những giải pháp cấp bách
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch, việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cần tiếp tục đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Đồng thời, cả hệ thống chính trị cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế. Đặc biệt là tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, trọng tâm là những luận điệu xuyên tạc, bóp méo về chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong tình hình hiện nay là phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bởi lẽ, nền văn hóa ấy là những giá trị bền vững được hun đúc, vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trở thành cốt cách, nền tảng vững chắc của dân tộc Việt Nam và là yếu tố bảo đảm cho đất nước ta trường tồn và phát triển, phồn vinh, hạnh phúc!
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hoa
Trường Đại học Hải Dương
----------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.115-116.
[2] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 966, tháng 5-2021, tr.9.
[3] Xem thêm Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024.
Gửi phản hồi
In bài viết