Phân cấp giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu

Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ mạnh mẽ nhu cầu giao dịch điện tử, nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19, Luật Giao dịch điện tử 2005 bộc lộ một số vấn đề, hạn chế nhất định.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm tính đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, hiện đang trong quá trình lấy ý kiến người dân.

Quy định về thông điệp dữ liệu

Nhằm bảo đảm được giá trị pháp lý và độ tin cậy, an toàn của thông điệp dữ liệu, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu cũng như các quy định liên quan đến gửi, nhận thông điệp dữ liệu, chứng thư điện tử. Cụ thể, bổ sung hình thức tạo lập, chuyển đổi thông điệp dữ liệu. Theo đó, thông điệp dữ liệu có thể được tạo lập, tự sinh trong quá trình giao dịch hoặc được số hóa từ bản giấy. Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Giao dịch điện tử đó là phân cấp giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu dựa trên mức độ tin cậy của thông điệp dữ liệu.

Các mức độ tin cậy của thông điệp dữ liệu theo từ thấp đến cao, gồm bốn mức độ:
Cấp 1: Thông điệp dữ liệu không có thông tin về người gửi hoặc tạo và không có khả năng xác minh, chứng thực được tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cấp 2: Thông điệp dữ liệu không có thông tin hoặc có nhưng không được chứng thực về người gửi hoặc tạo và tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu được chứng thực thông qua ít nhất một phương tiện điện tử độc lập như điện thoại, email; cấp 3: Thông điệp dữ liệu có thông tin được chứng thực về người gửi hoặc tạo và tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu được chứng thực thông qua ít nhất một phương tiện điện tử độc lập như điện thoại, email; cấp 4: Thông điệp dữ liệu có thông tin được chứng thực về người gửi hoặc tạo và tính an toàn của thông điệp dữ liệu được chứng thực bằng phương tiện chứng thực điện tử an toàn cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ chứng thực được cấp phép hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử bổ sung quy định về chuyển đổi số, theo đó thay thế việc lưu trữ các văn bản, chứng từ, hồ sơ, tài liệu từ bản giấy sang dạng thông điệp dữ liệu; đồng thời, bổ sung quy định về chứng thư điện tử bao gồm khái niệm, giá trị pháp lý cũng như quy định liên quan đến việc sử dụng chứng thư điện tử. Theo đó, chứng thư điện tử được hiểu là thông điệp dữ liệu được phát hành bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mà thông tin trong đó công nhận, chứng nhận tư cách pháp nhân, hành vi hợp pháp hoặc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân, tổ chức hoặc chứng nhận cho một phương tiện, máy móc, thiết bị, sản phẩm dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định theo quy định pháp luật. Chứng thư điện tử sẽ không bị từ chối giá trị pháp lý, hiệu lực hoặc khả năng sử dụng, thực thi chỉ vì nó ở dạng điện tử. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử quy định về các điều kiện để bảo đảm tin cậy khi sử dụng, lưu trữ chứng thư điện tử cũng như các điều kiện để chứng thư điện tử có thể thay thế cho giấy chứng nhận, văn bằng, chứng chỉ bản giấy hoặc trường hợp ngược lại.

Nếu như Luật Giao dịch điện tử 2005 chỉ mới quy định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu tạo điều kiện chuyển giao dịch truyền thống sang môi trường điện tử mà chưa làm rõ quy định thông điệp dữ liệu an toàn thì nay Dự thảo Luật Giao dịch điện tử đã chi tiết hóa quy định, bảo đảm được tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ của thông điệp dữ liệu, bảo đảm được giá trị pháp lý để thực thi, tạo cơ sở để thiết lập giao dịch điện tử an toàn trên môi trường mạng.

Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

Liên quan giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định giá trị pháp lý của chữ ký điện tử khi đáp ứng hai điều kiện: (i) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu; (ii) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi. Quy định này nhằm tạo nền tảng pháp lý triển khai giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Tuy nhiên, việc Luật Giao dịch điện tử 2005 chưa quy định cụ thể về chữ ký an toàn, biện pháp, tiêu chuẩn bảo đảm chữ ký điện tử an toàn, cấp độ chữ ký điện tử, giá trị pháp lý theo từng cấp độ,... đã tạo rào cản trong việc xác định giá trị pháp lý của chữ ký điện tử để ứng dụng trên thực tế, đồng thời cũng gây khó khăn khi giao dịch có tranh chấp.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử đã khắc phục được những vấn đề nêu trên. Ðồng thời cũng bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử; phân loại lại tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử thành tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử an toàn và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng (kèm theo quy định về điều kiện và chứng nhận đủ điều kiện đối với từng tổ chức).

Thông qua nội dung nêu trên, có thể thấy rằng Dự thảo Luật Giao dịch điện tử đã quy định chặt chẽ giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, đồng thời siết chặt quản lý các vấn đề liên quan. Ðiều này chính là cơ sở để bảo đảm hiệu quả ứng dụng, thi hành về chữ ký điện tử, điều kiện tiên quyết để triển khai giao dịch điện tử an toàn, thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục