Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và đơn xin gia nhập tổ chức của Phần Lan và Thụy Điển.
Mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO - đã chặn việc bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Phần Lan, Thụy Điển và cho rằng hai nước này không có lập trường rõ ràng và tỏ thái độ quá dễ dãi đối với đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và phong trào Gülenist mà Ankara quy là tổ chức khủng bố. Tranh cãi nổ ra khiến mong muốn gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu dường như đi vào bế tắc.
Tuy nhiên, rắc rối phát sinh từ phía Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một phần trong viễn cảnh khó khăn rộng lớn hơn mà Phần Lan cùng Thụy Điển đã và sẽ phải đối mặt trên lộ trình hướng tới việc gia nhập NATO. Hành trình được giới quan sát gọi là “thời kỳ xám xịt” này không chỉ trải qua quy trình xét duyệt nhiều thách thức của 30 nước thành viên liên minh quân sự lớn nhất thế giới, mà còn nhiều bất ổn tiềm ẩn trên phương diện kinh tế.
Việc gia nhập NATO được dự báo sẽ tạo ra xáo trộn lớn về mặt chính trị và quan hệ quốc tế đối với Phần Lan và Thụy Điển. Bởi động thái này đồng nghĩa với việc hai quốc gia láng giềng của Nga chấp nhận từ bỏ chính sách không liên kết quân sự truyền thống - thứ đã tạo ra sự ổn định cho cả hai nước trong một thời gian dài. Phần Lan theo đuổi con đường trung lập về an ninh suốt từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, còn Thụy Điển hơn 200 năm qua luôn coi trung lập là “bản sắc quốc gia”.
Cùng với đó, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Phần Lan và Thụy Điển với Nga xấu đi sau quyết định gia nhập NATO, mối quan hệ thương mại song phương đương nhiên chịu ảnh hưởng. Mátxcơva đã nhiều lần cảnh báo sẽ coi viễn cảnh Phần Lan và Thụy Điển nâng quan hệ với NATO từ đối tác lên thành viên là “mối đe dọa an ninh quốc gia”.
Tuy ít rủi ro hơn so với Phần Lan - chủ yếu về khả năng tự chủ năng lượng, Thụy Điển cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực ở mức nhất định, nhất là khi hàng loạt nhà đầu tư đã chuyển sang trạng thái “chờ đợi và quan sát”, không chỉ do cảm thấy sự thiếu chắc chắn trong lộ trình trở thành thành viên NATO của hai nước Bắc Âu, mà còn lo lắng trước khả năng Nga gia tăng áp lực về kinh tế.
Bảo đảm an ninh quốc gia trong quá trình chờ xét duyệt cũng là một khía cạnh gây lo lắng. Điều 5 về phòng thủ chung trong hiệp ước của NATO chỉ áp dụng với thành viên chính thức, không đề cập tới nước chờ gia nhập. Phần Lan và Thụy Điển tới nay tuy nhận được cam kết bảo đảm an ninh từ một số thành viên NATO, nhưng chưa hề có ràng buộc cụ thể. Bản thân Mỹ và Anh tới nay mới chỉ hứa hẹn sẽ "tăng cường hiện diện quân sự, tập trận và ủng hộ chính trị mạnh mẽ" cho hai nước Bắc Âu trong giai đoạn xét duyệt mà thôi.
Dĩ nhiên, mong muốn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển cũng có thuận lợi. Điều này dễ hiểu, một phần bởi cả hai quốc gia này thực tế đều là thành viên lâu năm của Liên minh châu Âu (EU), lại đang là đối tác của NATO thông qua Hiệp định Đối tác vì Hòa bình (PPP) và từng tham dự nhiều hoạt động huấn luyện chung với các lực lượng NATO trong hơn hai thập kỷ qua. Trong tuần qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lên tiếng cam kết liên minh sẽ “nhanh chóng chào đón” Phần Lan và Thụy Điển gia nhập.
Mặc dù còn nhiều trắc trở, nhưng những hiểu biết chung giữa Phần Lan, Thụy Điển và các thành viên NATO sẽ là tiền đề quan trọng hạn chế tối đa những rủi ro phát sinh do tiến trình gia nhập bị kéo dài, giúp sớm giải quyết những khúc mắc tồn tại, qua đó nhanh chóng đạt được những mục tiêu các bên cùng mong muốn.
Gửi phản hồi
In bài viết