Các giáo viên được trang bị đồ phòng dịch Covid-19 khi thực hiện hỗ trợ học sinh học trực tuyến
tại trung tâm Tele-Aral ở thành phố Taguig (Philippines).
Châu Á
Qatar đã thông báo, người hâm mộ muốn vào sân xem giải đấu bắt đầu từ tháng 11-2022 sẽ cần tiêm đủ hai liều vắc xin phòng Covid-19. Qatar đang có ý định thực thi quy định tương tự đối với những cầu thủ đến đây tham gia World Cup.
Nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, Qatar hiện đã tiêm hơn 4,6 triệu liều vắc xin, tương đương với 82% dân số. Dựa trên đặc điểm tập trung dân số dày đặc, tiêm vắc xin được xem là một biện pháp chống dịch quan trọng của Qatar.
Trong những tuần gần đây, Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới mỗi ngày tăng nhanh và mạnh. Trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á (376 ca).
Chính phủ Indonesia đã quyết định tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4 tại Java và Bali cũng như tại các địa phương khác bên ngoài hai hòn đảo đông dân này từ ngày 21-9 đến ngày 4-10.
Chính phủ Indonesia sẽ tiến hành xem xét PPKM cấp độ 1-4 mỗi tuần một lần đối với Java và Bali, và hai tuần một lần đối với các địa phương còn lại.
Mặc dù tiếp tục kéo dài PPKM cấp độ 1-4, Chính phủ Indonesia đã nới lỏng các hạn chế trong một số lĩnh vực; sẽ cho phép thí điểm mở cửa các trung tâm thương mại cho trẻ em dưới 12 tuổi dưới sự giám sát của bố mẹ. Chương trình này sẽ được triển khai tại các đô thị lớn gồm Jakarta, Bandung, Semarang, Jogjakarta và Surabaya. Các nhà hàng nằm bên ngoài các trung tâm thương mại cũng được phép hoạt động với 50% công suất tối đa.
Ngoài ra, các công ty hoạt động trong các lĩnh vực không thiết yếu được phép tổ chức làm việc tại chỗ với 25% công suất. Tuy nhiên, tất cả nhân viên làm việc tại văn phòng đều phải tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và quét mã QR trên ứng dụng khai báo y tế trực tuyến PeduliLindungi.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thông qua quyết định cho phép thí điểm mở cửa trở lại các trường học ở những khu vực có nguy cơ thấp về lây nhiễm Covid-19. Theo thông báo của Bộ Giáo dục Philippines, sẽ có 120 trường học tham gia chương trình thí điểm kéo dài 2 tháng này.
Bộ trưởng Giáo dục Philippines Leonor Briones cho biết, trong chương trình mở cửa thí điểm, mỗi buổi học sẽ chỉ diễn ra trong 3-4 giờ và các học sinh tham gia các lớp học theo hình thức trực tiếp này cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Chương trình thí điểm sẽ được thực hiện tại 100 trường công lập và 20 trường tư thục, với số lượng học sinh giới hạn ở mức 12 người đối với lớp mẫu giáo, 16 học sinh ở các lớp 1, 2 và 3; trong khi cấp trung học phổ thông được phép có tối đa 20 học sinh/lớp.
Châu Âu
Từ ngày 1-10 tới, những người muốn vào Vatican sẽ cần phải có thẻ xanh Covid-19, chứng nhận người đó đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc phục hồi sau khi mắc Covid-19.
Tuyên bố của Vatican được đưa ra trong bối cảnh Italia là quốc gia châu Âu đầu tiên đã công bố sắc lệnh, bắt buộc tất cả nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải có thẻ xanh Covid-19 từ 15-10, khi chính phủ đang tìm cách thuyết phục người dân tích cực tiêm chủng.
Hiện, Italia đã bắt đầu tiêm liều vắc xin ngừa Covid-19 thứ ba cho khoảng 3 triệu người được coi là dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng, ví dụ như những bệnh nhân ung thư và người được ghép tạng.
Ngoài những người tiêm mũi thứ ba, quan chức phụ trách chiến dịch phòng, chống Covid-19 của Italia, tướng Francesco Figliuolo cho biết, số lượng đặt lịch hẹn tiêm vắc xin đã tăng vọt kể từ khi chính phủ quyết định hôm 16-9 rằng, thẻ xanh là bắt buộc đối với người lao động tại nơi làm việc.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn gia tăng kể cả ở những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các nhà khoa học Pháp đang tích cực nghiên cứu vắc xin dạng xịt mũi nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất. Giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhằm giúp khống chế đại dịch.
Theo nhà nghiên cứu Nathalie Mielcarek, đang làm việc với Viện Lille Pasteur của Pháp, kích thích phản ứng miễn dịch trực tiếp tại mũi sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác. Ngoài ra, khả năng bị vi rút xâm nhập vào phổi cũng ít hơn, do tải lượng vi rút thấp hơn đồng nghĩa khả năng chuyển biến nặng cũng ít hơn. Bên cạnh đó, vắc xin xịt mũi được cho là dễ dàng sử dụng ngay tại nhà cũng như không gây tâm lý sợ kim tiêm.
Trong nghiên cứu của Đại học Tours (Pháp) trên chuột vừa được công bố tuần trước, 100% số chuột được xịt vắc xin đã sống sót sau khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong khi những con không sử dụng vắc xin đều chết.
Gửi phản hồi
In bài viết