Kính thưa đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Thưa quý vị đại biểu đại diện các hộ gia đình văn hoá tiêu biểu, Thưa toàn thể hội nghị! Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 22 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2023), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt tuyên dương Gia đình văn hoá tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang năm 2023, đồng thời tổ chức trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 và trao tặng Giải thưởng Tân Trào lần thứ 4 năm 2023. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh, biểu dương những gia đình tiêu biểu trong thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá, Chỉ thị 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Việc trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho Nghệ nhân ưu tú và trao tặng Giải thưởng Tân Trào nhân dịp này là để ghi nhận, tôn vinh, biểu dương những nghệ nhân có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp xuất sắc, đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể; tôn vinh, biểu dương các tác giả, nhóm tác giả có công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị cho sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà. |
Các đại biểu dự hội nghị.
|
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu, khách quý, các Nghệ nhân ưu tú, các tác giả đạt Giải thưởng Tân Trào. Đặc biệt nhiệt liệt chào mừng 157 hộ gia đình văn hoá tiêu biểu đại diện cho hơn 195 nghìn hộ gia đình văn hoá trong toàn tỉnh về tham dự hội nghị hôm nay. Chúc các đồng chí và toàn thể các vị đại biểu dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. |
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
|
Kính thưa các đồng chí đại biểu, Thưa toàn thể hội nghị! Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, gia đình luôn là nơi giữ gìn, vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách. Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong giáo dục, xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển bền vững của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình…”. Đánh giá cao vai trò của gia đình, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ chương, chính sách chăm lo cho công tác gia đình. |
Các đại biểu dự hội nghị. |
Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28/6 hằng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và toàn thể các gia đình trong xã hội thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Đối với tỉnh Tuyên Quang, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm sâu sắc dành cho công tác gia đình. Các chương trình, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng, an ninh suy đến cùng là để chăm lo cho sự ấm no, bình đẳng, hạnh phúc của người dân, của mỗi gia đình. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khẳng định kinh tế tỉnh ta tiếp tục tăng trưởng khá, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng được đổi mới, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế luôn được quan tâm chú trọng, an ninh xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Năm 2017 toàn tỉnh có trên 202 nghìn hộ gia đình thì có trên 177 nghìn hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, tỷ lệ 87,7%, đến năm 2022 có toàn tỉnh có gần 210 nghìn hộ gia đình thì có trên 195 nghìn hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, tỷ lệ 93,1% (tăng 5,4% so với năm 2017). |
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các gia đình văn hóa. |
Các phong trào thi đua, các cuộc vận động ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ như: Phong trào xây dựng Gia đình văn hoá; Khu dân cư văn hoá; 5 không, 3 sạch; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo… Từ hiệu quả các chính sách gia đình, các phong trào, cuộc vận động của tỉnh đã xuất hiện những gia đình nhiều thế hệ thực sự tiêu biểu, với ba thế hệ, bốn thế hệ chung sống hoà thuận, hạnh phúc; tỷ lệ hộ gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình văn hóa ngày càng tăng. Điển hình đã có nhiều gia đình văn hoá tiêu biểu 3 thế hệ, 4 thế hệ trên địa bàn tỉnh làm kinh tế giỏi. Nhiều gia đình có các con, cháu hiếu học, chăm ngoan, học giỏi, đỗ đạt cao, tích cực tham gia công tác xã hội và các phong trào ở địa phương, đạt nhiều thành tích trong công tác ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, có gia đình có tới 5-6 thành viên trong gia đình là đảng viên.... Từ những gia đình tiêu biểu có những đóng góp trong việc xây dựng công tác gia đình trên địa bàn, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chúc mừng, ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được trong công tác gia đình trên địa bàn tỉnh thời gian qua. |
Tiết mục văn nghệ tại hội nghị. |
Thưa các đồng chí đại biểu, Thưa toàn thể hội nghị! Chúng ta đều biết, cùng với sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ của các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, gia đình đang phải đối mặt với nhiều thách thức đó là giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp như hiếu nghĩa, thuỷ chung, kính trên, nhường dưới có thể bị mai một; tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên mạng internet và mạng xã hội; tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tiếp diễn, số vụ bạo lực gia đình có giảm nhưng tính chất ngày càng phức tạp hơn. Ở tỉnh ta, tính riêng năm 2021 - 2022 số vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn tỉnh 135 vụ (trong đó phải xử phạt vi phạm hành chính 52 vụ, thậm chí xử lý hình sự 3 vụ), cá biệt có nhiều vụ bạo lực gia đình phải trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền nộp phạt lên tới hàng trăm triệu đồng.… Tình trạng ly hôn, ly thân có chiều hướng gia tăng; tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình; còn xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật; các hành vi bạo lực gia đình như hành hạ, đe dọa, chì chiết, cố ý xúc phạm danh dự, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; việc bỏ mặc không dưỡng, chăm sóc cha mẹ, con cái, phụ nữ mang thai… Nguyên nhân của những vấn đề trên một phần là do nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác gia đình còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền còn coi nhẹ công tác gia đình, thiếu sự chỉ đạo sâu sát, chưa gắn công tác gia đình với nhiệm vụ kinh tế, xã hội ở cơ sở; cán bộ phụ trách công tác gia đình ở cơ sở còn kiêm nhiệm nhiều việc; cán bộ còn coi những vấn đề gia đình là việc nội bộ nên ít, hoặc không can thiệp. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình, giáo dục tiền hôn nhân và kiến thức làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động đến giá trị văn hoá gia đình, trong đó có gia đình truyền thống... |
Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ. |
Thưa toàn thể các đồng chí! Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, tôi đề nghị các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung làm tố một số nhiệm vụ sau: Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình; triển khai nghiêm túc Chỉ thị 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Hướng dẫn số 107 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xây dựng gia đình, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tập trung thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra liên quan đến công tác gia đình, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 90% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa; trên 80% số thôn, tổ dân phố đạt thôn, tổ dân phố văn hóa; trên 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa… Chú trọng công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác gia đình. Tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai các chiến lược, chương trình: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc... |
Ông Hoàng Ngọc, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) luôn dạy bảo con cháu thực hiện nếp sống văn hóa. |
Hai là, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình, trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch của UBND tỉnh: số 104/KH-UBND, số 106/KH-UBND ngày 31/5/2022 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương của tỉnh liên quan đến công tác gia đình; thực hiện tốt công tác tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước làm công tác gia đình, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quan tâm đầu tư và hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở, tạo điều kiện cho mọi gia đình được tiếp cận các kiến thức pháp luật, văn hóa - xã hội, thụ hưởng các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Nghiên cứu thực hiện giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, góp phần giảm bạo lực gia đình; giảm tình trạng ly thân, ly hôn. Trước hết là cán bộ, đảng viên nêu gương và vận động xây dựng gia đình hạnh phúc. Các cơ quan truyền thông phê phán, đấu tranh với lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, hủ tục lạc hậu, tập quán cũ về hôn nhân và gia đình. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, nhân rộng mô hình văn hóa tiêu biểu.
|
Ba là, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, các sở, ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác gia đình trên địa bàn, gắn với thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong đó chú trọng việc xây dựng, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn, tổ dân phố văn hóa, Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giáo dục đạo đức lối sống gia đình theo hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Việc tham mưu chỉ đạo phải cụ thể và thực chất, không chỉ đạo phiến diện, chung chung, phải xây dựng và nhân rộng mô hình thực hiện có hiệu quả về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; triển khai các hoạt động thiết thực, phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là người cao tuổi, trẻ em; thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn... Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác gia đình, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm... trên địa bàn toàn tỉnh. Tôi trân trọng đề nghị các gia đình được biểu dương ngày hôm nay tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp mà mình đã dày công xây dựng, vun đắp để mỗi ngày, mỗi tháng năm từng thôn, tổ dân phố, từng xã, phường, từng huyện và cả tỉnh ta có thêm nhiều gia đình tiêu biểu, nhiều gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. |
Đường Bình Thuận, tuyến đường đạt chuẩn văn minh đô thị. |
Thưa toàn thể Hội nghị! Nhân dịp này thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi chúc mừng các Nghệ nhân ưu tú được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, các tác giả, nhóm tác giả được trao tặng Giải thưởng Tân Trào ngày hôm nay. Thời gian tới mong các đồng chí tiếp tục cống hiến, có những đóng góp trong việc nghiên cứu xây dựng các đề tài, dự án lĩnh vực khoa học công nghệ và tiếp tục có các tác phẩm, công trình nghiên cứu văn học - nghệ thuật có giá trị, để góp phần đưa sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ, văn học - nghệ thuật của tỉnh nhà lên một tầm cao mới. Thưa các đồng chí đại biểu, Thưa toàn thể hội nghị! Ai đó đã nói "Khi còn nhỏ, gia đình là lớp học đầu tiên dạy ta câu nói đầu đời, dạy cho ta biết yêu thương, che chở và bao dung, khi ta lớn gia đình là nơi cùng bạn đương đầu với sóng gió cuộc đời, đến cuối cùng thì gia đình là nơi duy nhất bạn quay về". Xin chúc tỉnh ta tiếp tục thực hiện tốt công tác gia đình, xây dựng và duy trì nền nếp của gia đình, ngày càng nhiều gia đình văn hoá tiêu biểu có sức lan toả rộng rãi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Một lần nữa, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh xin kính chúc toàn thể quý vị đại biểu sức khoẻ, gia đình hạnh phúc, thành công. Xin trân trọng cảm ơn! |
Gửi phản hồi
In bài viết