Đây là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Tọa đàm có sự tham gia của hơn 150 đại biểu trong nước và quốc tế; đại diện 8 cộng đồng thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co gồm: Hội Kéo co Gijisi (Dangjin, Hàn Quốc) và 7 cộng đồng kéo co tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ: “Chung một sợi dây" là thông điệp tuyệt vời mà tất cả cộng đồng kéo co đều cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của nó. Sợi dây là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, kết nối giữa con người với thiên nhiên, là sự nối dài của những cánh tay, sự tiếp sức từ cộng đồng này đến cộng đồng khác.
"Hy vọng sự kiện này sẽ mở ra cơ hội mới để kết nối các cộng đồng kéo co, để mở rộng hồ sơ ghi danh vào danh mục di sản văn hóa đại diện nhân loại”, bà Lý nói.
Kéo co là trò chơi dân gian độc đáo của đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội).
Tham luận tại tọa đàm, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) Ngô Quang Khải đề cập một số nguy cơ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Một trong những nguy cơ hiện hữu đó là tốc độ của việc đô thị hóa. Không gian kiến trúc của làng ngày càng bị thu hẹp do sức ép của việc xây dựng nhà, ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội.
Ông Ngô Quang Khải đề xuất đầu tư, tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bố trí quỹ đất phục vụ việc xây dựng Bảo tàng Kéo co Việt Nam tại phường Thạch Bàn. Kết nối với các tour du lịch phục vụ công tác quảng bá giới thiệu về di sản văn hóa… Đồng thời đưa chương trình kéo co vào trường học để các học sinh thực hành trong các tiết học thể chất.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai Dương Tuấn Nghĩa lấy thực tế từ nghi lễ và trò chơi kéo co dân tộc Tày, Giáy của địa phương mình cũng cho biết, khó khăn thách thức lớn nhất hiện nay là vai trò chủ thể di sản của đồng bào đang bị đồng bào xem nhẹ. “Nếu trước đây phải chọn ngày, chọn giờ, chọn loại dây và các nghi lễ khác, thì hiện nay, do việc đi lấy dây xa (phải vào rừng già), khó khăn nên cộng đồng thay bằng loại dây rừng khác, thậm chí là loại dây công nghiệp hiện nay… hay như cách thức kéo cũng đang dần bị ảnh hưởng”, ông Nghĩa nêu.
Từ đó, ông Nghĩa cũng đưa ra một số đề xuất như đề nghị tổ chức UNESCO quan tâm, ủng hộ kinh phí cho tỉnh Lào Cai thực hiện dự án nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa nghi lễ kéo co Tày, Giáy. Cùng với đó cần ban hành chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân tiêu biểu tham gia vào quá trình bảo vệ và trao truyền di sản.
Gửi phản hồi
In bài viết