Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Báo Nhân Dân
Phim “Hành trình khát vọng” của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh kể câu chuyện về tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Nhà máy Dệt Thành Công và đồng chí Bí thư chi bộ Nhà máy khi ấy là Nguyễn Thị Đồng.
Bà Nguyễn Thị Đồng, Bí thư chi bộ Nhà máy giai đoạn 1976-1995 cho biết, khi nhà máy sáng tạo trong sản xuất kinh doanh để vượt qua khó khăn đã có rất nhiều ý kiến phê phán gay gắt cách làm mới này, nào là theo Nam Tư (khi ấy Nam Tư bị xem là “xét lại” - NV), nào là tư bản, thậm chí có đồng chí lãnh đạo khi ấy còn cho rằng vào Nhà máy Dệt Thành Công như đi vào “một cụm rừng đen tối”.
Khi ấy, ông Đỗ Mười là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Phó Thủ tướng) được Trung ương giao nhiệm vụ đi kiểm tra nhà máy 2 lần.
Sau khi kiểm tra về Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã báo cáo với Tổng Bí thư Trường Chinh là nhà máy làm ăn tốt nên ông “không bắt được ai” và ông cũng nói “nếu có bắt thì bắt ông”.
Từ câu chuyện cụ thể này ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy những gì là đổi mới, sáng tạo bao giờ cũng vấp phải những trở lực, thậm chí phải vượt qua hành trình đầy gian nan, thử thách.
Trong tự nhiên, bão lớn nổi lên những cây bị ngã đầu tiên chính là những cây lớn, các bụi gai lúp xúp thường ngã rạp xuống và sẽ đứng dậy khi bão tố đi qua.
Trong chiến tranh, người lính đi đầu bao giờ cũng là đích ngắm của hòn tên, mũi đạn. Trong thực tiễn xã hội, những người sáng tạo - tức nghĩ khác, làm khác với số đông - thường bị cô lập, bị hiểu lầm, chịu cô đơn và nhiều khi gánh chịu tai ương.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từng cảm thán: “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” (những người thao thức, hiểu biết, lo lắng thường gặp tai họa). Câu thơ ấy cũng đã vận vào chính cuộc đời ông. Khi nhiều quan chức của triều đình đang say men với hào quang chiến thắng, đi vào con đường ăn chơi hưởng lạc thì Nguyễn Trãi lại không đồng tình với những việc làm nhọc dân và khuyên nhà vua “chăm lo cho muôn dân” để cho trong thôn cùng, xóm vắng không còn một tiếng hờn giận, oán sầu. Chính vì cái “khác người” ấy mà ông bị nhiều kẻ gian thần gièm pha, ghen ghét…
Trong thực tế, đã có những thành tựu, thắng lợi được tạo ra bởi những cái đầu suy nghĩ khác với số đông. Chiến lược lui quân về cố thủ Tam Điệp của Ngô Thì Nhậm là quyết định đầy táo bạo. Rất may cho ông, khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ kéo đại quân ra, ông tới để chịu tội nhưng lại được Nguyễn Huệ đánh giá rất cao quyết định lui quân chiến lược này.
Nhìn lại quá trình phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, rất nhiều những thành tựu lớn cũng xuất phát từ những nhà lãnh đạo với suy nghĩ và quyết định sáng tạo, khác người, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Rất nhiều câu chuyện đã trở thành bài học lớn cho hôm nay và mai sau.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định khác rất nhiều so với các cuộc cách mạng khác, nhất là cách mạng vô sản trên thế giới: Mời cựu hoàng Bảo Đại giữ chức Cố vấn Tối cao của Chính phủ, tuyên bố đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo…
Cụ Huỳnh Thúc Kháng có những suy nghĩ khác những nhà cách mạng khi ấy, song vì lợi ích quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ ra đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và cũng vì lợi ích của quốc gia dân tộc cụ Huỳnh đã nhận lời.
Khi lên đường sang thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho cụ Huỳnh giữ cương vị Quyền Chủ tịch nước. Trên cương vị là người đứng đầu đất nước trong thời khắc đặc biệt khó khăn ấy, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã vững tay chèo chống để đất nước vượt qua những hiểm nguy.
Trước nhiều thời điểm lịch sử của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
bàn bạc đưa ra những quyết định trọng đại. Ảnh tư liệu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng có quyết định lịch sử kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra ở Điện Biên Phủ.
Việc kéo pháo vào được trận địa đã vô cùng khó khăn, gian khổ nên đương nhiên khi quyết định kéo ra chắc chắn không dễ dàng gì.
Nhưng trước khi tướng Giáp lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn tin tưởng và giao toàn quyền cho ông: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. “Tướng quân tại ngoại”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy câu nói của người xưa là tướng ngoài mặt trận nhiều lúc không phải theo lệnh vua để nhắc nhở, nhưng cũng là tin tưởng, giao toàn quyền quyết định cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những năm tám mươi của thế kỷ XX, trước những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, Tổng Bí thư Trường Chinh đã quyết định viết lại Văn kiện Đại hội VI mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước.
Ông Trần Đức Nguyên, Thành viên Tổ Tư vấn của Tổng Bí thư Trường Chinh cho biết: Khi ấy Báo cáo chính trị trình Đại hội VI (tài liệu quan trọng nhất trong các văn kiện trình ra Đại hội VI) đã đưa xuống đại hội đảng bộ các cấp.
Qua phản ánh từ dưới lên, nhiều ý kiến cho rằng nội dung chưa đáp ứng được tình hình thực tế đang diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi phải có những đổi mới trong chủ trương, chính sách.
Tổng Bí thư Trường Chinh đã quyết định: Phải viết lại Báo cáo chính trị trình Đại hội VI! Trong báo cáo đó, quan trọng nhất là phải đưa quan điểm và nội dung đổi mới kinh tế vào.
Ông Trần Đức Nguyên kể lại: “Vì ý thức với quyền lợi của dân, Tổng Bí thư Trường Chinh luôn là người cấp tiến, sẵn sàng thay đổi cả những quan điểm vốn có từ lâu của chính ông.
Vì dân nên khi chúng tôi nói những ý kiến giúp ích cho dân, ông rất lắng nghe. Chính tinh thần vì nước vì dân, gắn bó với thực tế, tôn trọng cấp dưới đã giúp Tổng Bí thư Trường Chinh khắc phục tư duy bảo thủ, xây dựng quan điểm làm nền móng tạo nên thành công của công cuộc đổi mới…”.
Các ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh khi làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và giữ các cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quy tụ xung quanh mình nhiều trí thức tên tuổi không phân biệt thành phần xuất thân, giai cấp, quá khứ chính trị v.v..
Thậm chí, có những người như Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, người đã từng là Thống đốc Ngân hàng, Phó Thủ tướng, Quyền Thủ tướng của chế độ cũ vẫn được mời làm cố vấn để rồi trên cương vị ấy, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã có nhiều ý kiến tư vấn giá trị góp phần vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện Bắc-Nam (tháng 5/1994). Ảnh: Nguyễn Công Thành.
Ranh giới giữa đúng-sai nhiều khi thường rất mong manh. Ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã từng bị phê phán và kiểm điểm nặng nề vì “khoán hộ”.
Công trình tải điện 500KV Bắc-Trung - Nam khi bắt đầu không phải không có những ý kiến trái chiều gay gắt, thế nhưng vượt lên tất cả, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lắng nghe và có quyết định đầy táo bạo.
Cái mới thường gặp khó khăn bởi áp lực của những thói quen, tư duy cũ đã thành nếp và luôn có xu thế bảo thủ.
Những người sáng tạo lại chỉ là thiểu số, họ nghĩ khác, làm khác với số đông nên rất dễ bị hiểu lầm, bị chống đối, bị quy chụp, và họ thường cô đơn.
Vậy nên, để bảo vệ được những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đòi hỏi lãnh đạo cấp trên của họ phải là những người năng động, sáng tạo bởi chỉ có những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mới có khả năng truyền cảm hứng và ủng hộ, bảo vệ những người cấp dưới năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Nếu không làm được như vậy, những người nhàn nhạt, vô vị, không hề có bất kỳ dấu ấn gì sẽ cứ đều đều thăng tiến với một cuộc đời trơn tru, bằng phẳng, còn người sáng tạo sẽ dễ bị hệ lụy, có khi mất chức hoặc vào vòng lao lý nếu vì sáng tạo mà phạm sai lầm.
Rõ ràng, đất nước, dân tộc, Đảng cần những người năng động, sáng tạo chứ chắc hẳn không cần lắm những người chỉ biết “gọi dạ, bảo vâng”.
Vậy nên, một trong các nội dung quan trọng trong nhóm giải pháp của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” là: “Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Vấn đề khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo vì lợi ích chung ngày càng trở nên bức thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Để có đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo vì lợi ích chung cần có cơ chế tạo môi trường để đội ngũ này “sáng tạo” và cống hiến.
Muốn vậy, các quy trình công tác cán bộ phải thật sự chặt chẽ, công khai, minh bạch để bịt các cửa “chạy” vốn tạo kẽ hở cho những người quá “tròn trịa” lên nắm quyền.
Đánh giá cán bộ cần căn cứ vào thực tiễn công tác, kết quả cụ thể chứ không thể bằng những kết quả chung chung, không được lượng hóa.
Cần cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập để những người tâm huyết có thời gian suy tư, sáng tạo. Tạo dựng môi trường sinh hoạt Đảng, môi trường công tác nhân văn, khen thưởng, tôn vinh xứng đáng những người làm việc tốt, có nhiều cống hiến vì tập thể, vì xã hội…
Một điểm mấu chốt là: Muốn có cán bộ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo vì lợi ích chung cần phải có cơ chế bảo vệ họ. Muốn vậy, cần cụ thể hóa một cách rõ ràng về nội hàm thế nào là “đổi mới, sáng tạo”, những nội dung nào là vì lợi ích chung… để xây dựng cơ chế bảo vệ cho phù hợp.
Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào cũng luôn cần những nhà lãnh đạo biết lắng nghe và hành động quyết liệt, bảo vệ lẽ phải, vì sự tiến bộ của xã hội, sự vững mạnh, phồn vinh của đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết