Phát huy sức mạnh đại đoàn kết

- Năm 2022, Tuyên Quang cũng như cả nước bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19. Bám sát nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, MTTQ các cấp phát huy vai trò xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, triển khai hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố thăm mô hình thu gom,
xử lý rác thải nhựa tại Hợp tác xã vận tải Thanh Bình (TP Tuyên Quang).

Không ai bị bỏ lại phía sau

Hoạt động nổi bật của MTTQ các cấp trong tỉnh năm 2022 là việc trển khai thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Đây là nội dung được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, giao Ủy ban MTTQ tỉnh là cơ quan chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Theo kế hoạch năm 2022, toàn tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 1.606 hộ nghèo.

Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh ký kết kế hoạch, chương trình phối hợp về tập trung huy động, sử dụng các nguồn lực hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng… Cùng với đó, Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo Ban Thường trực MTTQ các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền, ngành chức năng và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động và huy động nguồn lực thực hiện làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo.

Chị Trần Thị Hoa, thôn Lập Binh, xã Bình Yên (Sơn Dương) chia sẻ: năm nay, được MTTQ hỗ trợ 50 triệu, cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của xóm làng, gia đình chị đã có căn nhà mới khang trang. Có nhà kiên cố rồi, không lo che chắn mỗi khi gió mùa về nữa, chị sẽ yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Hơn 10 tháng qua, đã có trên 2,1 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, với kinh phí trên 102 tỷ đồng, đạt 125,8% kế hoạch, nâng tổng số hộ nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở từ khi triển khai Đề án đến nay lên 2.339 hộ, với số tiền 189 tỷ đồng. Những con số này là minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của MTTQ các cấp trong việc phát huy tinh thần đoàn kết của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh trao hỗ trợ làm nhà cho gia đình chính sách tại huyện Yên Sơn.

Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân

Với vai trò nòng cốt, thời gian qua MTTQ các cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội với nhiều cách làm đổi mới, đột phá theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp tình hình, điều kiện thực tiễn của địa phương. 

Từ năm 2014 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì giám sát được 948 cuộc, trong đó cấp tỉnh 20 cuộc, cấp huyện 71 cuộc, cấp xã 857 cuộc; phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh giám sát được trên 20 cuộc; phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiến hành giám sát được trên 100 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực như: thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; thực hiện pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tại các doanh nghiệp...

Về công tác phản biện xã hội, thông qua nghiên cứu, xem xét các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, chương trình của tỉnh, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã thực hiện 155 hội nghị phản biện xã hội. Qua đó, phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, các tổ chức thành viên tham gia đóng góp phản biện đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án của HĐND, UBND...

Đồng chí Ma Phúc Sơn, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lâm Bình chia sẻ, trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát, Ủy ban MTTQ huyện đã phát huy tốt vai trò đoàn kết, dân chủ hiệp thương với các tổ chức thành viên tham gia đoàn giám sát để nắm bắt tình hình thực tế, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở cơ sở, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên. 

Phát huy sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường

Cùng với thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” được MTTQ từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng trên 4.577 mô hình tổ, nhóm tự quản về thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư, tiêu biểu như: thành lập tổ, nhóm tự quản tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; thu gom, phân loại rác tại nhà; kho tập kết rác khó phân hủy...; các trường học có mô hình ngôi nhà kế hoạch nhỏ, ngôi nhà xanh, đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập, đổi rác thải nhựa lấy cây xanh; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường ít nhất 1 lần/tháng gắn với thực hiện Phong trào thi đua “Xanh, sạch, đẹp - Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.

Cùng với đó, MTTQ các cấp đã vận động xã hội hóa đóng góp xây dựng trên 24.000 bể, hố xử lý rác thải hữu cơ; với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân làm”, MTTQ đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ kinh phí và vận động xã hội hóa hỗ trợ ban đầu cho một số mô hình, hộ gia đình mua xe chở rác, xây lò đốt rác, bể ủ rác hữu cơ,... góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phát triển du lịch, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Nhìn lại một năm hoạt động, MTTQ các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, để lại những dấu ấn đậm nét. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Mặt trận, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục