Phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong “Dân vận khéo”

- Tỉnh Tuyên Quang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 57%. Thời gian qua, hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh triển khai có hiệu quả công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó, góp phần quan trọng tạo dựng sự đồng thuận xã hội; khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong phát triển sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Lực lượng cốt cán và người có uy tín trong đồng bào DTTS là những người đóng góp tích cực phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Gần chục năm là cán bộ chủ chốt của thôn, anh Hoàng Seo Lương, dân tộc Nùng, Bí thư Chi bộ thôn Làng Phát, xã Kim Quan (Yên Sơn), người cốt cán trong đồng bào Nùng của thôn luôn xác định: Công tác dân vận trong đồng bào DTTS đặc biệt quan trọng. Để làm tốt công tác dân vận khéo, anh Lương luôn nắm bắt kịp thời những quán triệt, chỉ đạo của cấp trên và tự nghiên cứu kỹ lưỡng các Nghị quyết để đồng bào tiếp nhận dễ dàng nhất. Đồng thời, bản thân anh phải coi “miệng nói, tay làm”, gương mẫu làm kim chỉ nam trong triển khai, thực hiện mọi nhiệm vụ.

Dẫn chúng tôi thăm tuyến đường nội đồng dẫn vào rừng trồng, đất sản xuất của  40 hộ dân vừa hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 6-2023, anh Lương bày tỏ, ban đầu, khi chưa thông hiểu, 1 số hộ còn đòi đền bù. Anh cùng tập thể chi bộ xuống từng hộ, vận động, tuyên truyền liên tục trong 15 ngày liên tục.

Bí thư Chi bộ thôn Làng Phát, xã Kim Quan (Yên Sơn) Hoàng Seo Lương tuyên truyền đến người dân một số chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tại thôn.

Sau đó, 3 hộ dân tự nguyện hiến khoảng 900 m2 đất để làm đường nội đồng theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những ngày này, anh Lương đang tích cực cùng với các tổ đảng viên được phân công đến từng hộ gia đình để vận động nhân dân đóng góp tiền để chuẩn bị khởi công 1 tuyến đường nội đồng, nội thôn dài 360 m đường bê tông nông thôn theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh. Sau khi dự trù kinh phí, nhân dân phải đóng góp trên 70 triệu đồng. Nhờ dân vận khéo, đến nay, nhân dân trong thôn đóng góp được khoảng 35 triệu đồng.    

Anh Hoàng Seo Lương là một trong hàng nghìn người thuộc lực lượng cốt cán, người có uy tín của tỉnh nhận thức được vai trò của mình trong công tác dân vận trong đồng bào DTTS. Qua đó, lực lượng này cùng chung sức cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp truyền tải, vận động, tổ chức, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy,  6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 11.651 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới và các lĩnh vực khác. Trong đó, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào DTTS tích cực thực hiện “dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho dân làng. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 23,45% xuống còn 18,9%.

Thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh và các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và mô hình “Dân vận khéo” thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Lực lượng cốt cán và người có uy tín trong đồng bào DTTS tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong truyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào DTTS tham gia. Qua đó, toàn tỉnh xây dựng 265 mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; 153 mô hình “Dân vận khéo” thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.

Ông Chẩu Văn Thành, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 5, thị trấn Na Hang (Na Hang), người có uy tín bày tỏ, tổ dân phố được chọn xây dựng mô hình  “Dân vận khéo” thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Ông cùng với tập thể chi bộ tích cực vận động trên 100 hộ dân ký cam kết đảm bảo trong việc cưới tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, gây lãng phí. Đồng thời, vận động người dân không được dựng rạp dưới lòng đường, vỉa hè; hạn chế uống rượu bia trong đám cưới.

Trong đám tang, hạn chế phúng viếng vòng hoa và bức trướng, không sử dụng kèn trống, nhạc hiếu sau 22 giờ và trước 6 giờ sáng, không rải tiền Việt Nam, rắc vàng mã trên đường đưa tang, khuyến khích hỏa táng. Ban đầu, người dân chưa quen với sự đổi mới này nên chưa chấp hành tốt. Bằng sự tăng cường tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện, người dân của tổ dân phố đã có ý thức thực hiện tốt hơn.

Để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào DTTS  đối với công tác dân vận, thực hiện hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”, cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS.

Công tác bồi dưỡng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng DTTS theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực sở trường; quy trình lựa chọn, thành phần cơ cấu dân tộc, theo lĩnh vực, phạm vi và mức độ ảnh hưởng, cụ thể theo lĩnh vực… Các cấp, ngành, địa phương tiếp thực hiện hiệu quả chính sách đối với người có uy tín; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và phát huy vai trò ảnh hưởng của lượng lực cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS. 

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục