Phát huy vai trò trụ cột của nghị viện trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia từ ngày 2 đến 8/4/2025.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên và ở cấp cao nhất của Chủ tịch Quốc hội đến Uzbekistan và Armenia kể từ khi Việt Nam và hai nước này thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992.

Được thành lập từ năm 1889, IPU giữ vai trò trung tâm trong hoạt động ngoại giao nghị viện khắp thế giới, hoạt động vì hòa bình, dân chủ, hợp tác giữa các dân tộc và nghị viện các nước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp do tác động của xu hướng phân tuyến, sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước, vai trò của IPU ngày càng quan trọng.

Kể từ khi trở thành thành viên của IPU năm 1979, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn của Liên minh, nhiều lần giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ chế của IPU, trong đó có thể kể đến việc đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 năm 2015 và Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội năm 2023.

Những đóng góp của Quốc hội Việt Nam được Ban Thư ký và các thành viên IPU coi trọng, góp phần quan trọng tăng cường hợp tác nghị viện và thúc đẩy kết nối tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đại hội đồng IPU-150 có chủ đề “Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội”, tương đồng với nội dung đang được thảo luận tại Liên hợp quốc, hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh về phát triển xã hội dự kiến diễn ra tháng 11/2025 tại Qatar.

Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Đại hội đồng IPU-150 khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm tại IPU cũng như các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới; sự đóng góp tích cực của nước ta vào nỗ lực tăng cường chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế.

Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Đại hội đồng IPU-150 khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm tại IPU cũng như các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới; sự đóng góp tích cực của nước ta vào nỗ lực tăng cường chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế.

Đồng thời, thông qua hoạt động tham dự Đại hội đồng IPU-150, Việt Nam tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ với các nước, các nghị viện thành viên IPU.

Đại hội đồng IPU năm nay được tổ chức tại Uzbekistan, quốc gia Trung Á có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, sợi dây kết nối giữa Việt Nam và Uzbekistan ngày càng bền chặt.

Về chính trị-ngoại giao, hai nước tích cực triển khai trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương, đồng thời duy trì phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Quốc hội Uzbekistan đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam vào năm 2023 và nhiều lần bày tỏ mong muốn Quốc hội Việt Nam thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Uzbekistan.

Trên cơ sở sự tin cậy chính trị ngày càng được nâng cao, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Uzbekistan từ năm 2021 đến nay chuyển biến tích cực, tăng khoảng 25%/năm, đạt 202 triệu USD năm 2024, tăng 26,5% so với mức năm 2023.

Hai bên đã thiết lập cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, đến nay đã tổ chức được bảy khóa họp.

Cùng với Uzbekistan, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Armenia tiếp tục phát triển tốt đẹp.

Năm 1992, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Armenia được chính thức thiết lập, ghi dấu một mốc son trong lịch sử phát triển quan hệ giữa hai nước.

Armenia coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Hai bên cũng duy trì thường xuyên tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, qua đó nâng cao sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc cho thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Hợp tác giữa Quốc hội hai nước tiếp tục được duy trì, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Armenia.

Quốc hội Armenia đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Armenia-Việt Nam vào năm 2021.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Armenia những năm gần đây cũng được thúc đẩy tích cực sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), mà Armenia là thành viên, có hiệu lực vào năm 2016.

Kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2024 đạt gần 500 triệu USD, tăng 42% so với mức của năm 2023. Hai nước đã thiết lập cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, họp khóa đầu tiên vào tháng 3/2017 tại Hà Nội.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là bước triển khai tích cực đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam.

Chuyến công tác nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Uzbekistan và Armenia, khẳng định quyết tâm cùng hai nước thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt, trong bối cảnh khu vực Trung Á và khu vực Kavkaz có vai trò ngày càng quan trọng trong hợp tác quốc tế.

Thông qua chuyến công tác,Việt Nam cũng mong muốn củng cố, tăng cường sự hiểu biết, thúc đẩy đối thoại chính trị ở cấp cao nhất trên kênh Quốc hội, trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội hai nước; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy hợp tác song phương cùng có lợi với mỗi nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, hợp tác địa phương...

Chuyến tham dự Đại hội đồng IPU-150, thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cho thấy hợp tác kênh nghị viện là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước; đồng thời một lần nữa khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường kết nối, mở ra những chương mới nhiều thành tựu hơn nữa trên chặng đường phát triển quan hệ với các nước.

Theo Nhân Dân Điện tử

Tin cùng chuyên mục