Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số

Tối 11/7, Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI - năm 2024 với chủ đề “Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số” đã khai mạc tại Nhà hát Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Liên hoan do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Liên hoan. (Ảnh: Hà Phương)

Đến dự khai mạc Liên hoan có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa; đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.

Được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, Liên hoan Phát thanh toàn quốc là hoạt động nghiệp vụ của ngành phát thanh Việt Nam nhằm phát hiện, tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc của những người làm báo phát thanh cả nước. Đây cũng là cơ hội để các nhà báo, biên tập viên, phóng viên giao lưu, học hỏi, nâng cao nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Trải qua gần 80 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng và ngành phát thanh nói chung đã có nhiều đóng góp to lớn. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, sự rộng mở của không gian truyền thông, sự gia tăng các loại hình báo chí và phương tiện truyền thông mới; với dòng thông tin có tính thời sự cao, kịp thời, chính xác, giàu tri thức, văn hóa, thẫm đẫm hơi thở của đời sống; với các chương trình phong phú, đa dạng, sáng tạo; với phạm vi phủ sóng rộng, dễ tiếp cận…, ngành phát thanh ngày càng khẳng định vị thế, vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén, kênh thông tin chủ lực, tiên phong, dẫn dắt, định hướng dư luận; là diễn đàn tin cậy để nhân dân tham gia giám sát, phản biện, quản lý xã hội; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Để phát huy thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của ngành phát thanh trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị những người làm phát thanh cần quan tâm thực hiện năm nội dung trọng điểm:

Thứ nhất, cần thường xuyên quán triệt, nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nắm vững quan điểm, mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; phấn đấu xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo.

Thứ hai, ngành phát thanh cần chủ động, kịp thời, sáng tạo hơn trong công tác thông tin, tuyên truyền; coi trọng, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới; sẵn sàng dấn thân, đi đầu, tìm hiểu vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước…

Thứ ba, hệ thống phát thanh từ Trung ương tới cơ sở cần phát huy vai trò chủ động trong định hướng, dẫn dắt thông tin, góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động, sự đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, chú trọng tham gia xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới, để tạo lập sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển đất nước…

Thứ tư, cần quan tâm xây dựng đội ngũ phóng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng.

Thứ năm, nghiên cứu, triển khai sâu rộng, có hiệu quả chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực phát thanh, như tinh thần chủ đề Liên hoan Phát thanh năm nay đã xác định, đó là: “Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số”.

“Phát thanh trong kỷ nguyên số không chỉ là sự thay đổi hạ tầng truyền dẫn hay các nền tảng phát sóng, mà còn là sự thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm nghề. Chúng ta cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là khâu đột phá để phát triển bền vững”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Phát biểu đáp từ, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: Đài Tiếng nói Việt Nam và ngành phát thanh Việt Nam sẽ nghiêm túc tiếp thu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, nhằm phát huy truyền thống, xây dựng ngành phát thanh Việt Nam ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân.

Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XVI năm 2024 diễn ra từ ngày 9 đến 13/7. Liên hoan thu hút sự tham gia của 81 đơn vị (bao gồm 63 Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, thành phố, các đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội Nhân dân, Cục Truyền thông Công an Nhân dân) với 380 tác phẩm thuộc 6 thể loại: phóng sự, chương trình chuyên đề, phỏng vấn, chương trình phát thanh tiếng dân tộc, câu chuyện truyền thanh, chương trình phát thanh trực tiếp; và 5 hạng mục giải thưởng: ứng dụng nền tảng số, podcast, kỹ thuật dàn dựng xuất sắc, giọng vàng, người dẫn chương trình xuất sắc. Sau Vòng Sơ khảo, Ban giám khảo đã lựa chọn được 228 tác vào Vòng Chung khảo.

Bên cạnh những phóng sự ghi lại công tác chuẩn bị Liên hoan, làm rõ hơn những áp lực từ cạnh tranh thông tin trong môi trường truyền thông số, đánh giá chất lượng các tác phẩm tham dự Liên hoan…, Lễ khai mạc còn mang đến những tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, với những ca khúc như: Bài ca non sông, Về với xứ Thanh, Ngày hội thanh âm, Tự hào Tiếng nói Việt Nam…

Trong khuôn khổ Liên hoan, còn có các hoạt động nghiệp vụ, văn hóa, thể thao sôi nổi, tạo diễn đàn cho những người làm phát thanh Việt Nam giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm, gồm: Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam”, Chương trình “Giao lưu những người yêu nghệ thuật Chèo toàn quốc lần thứ IX năm 2024” và Giải chạy “Vì Làn sóng khỏe”.

Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XVI được tổ chức vào 20 giờ ngày 13/7 tại Nhà hát Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục