Phạt tiền đến 25 triệu đồng với cha mẹ, người chăm sóc cố ý bỏ rơi trẻ em

ghị định số 130/2021 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em.

Từ 1/1/2022: Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em

Ngày 30/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em (sau đây gọi tắt là Nghị định 130). Văn bản có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

Nghị định 130 có 4 chương 48 điều.
 

Trong đó, có quy định 31 hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
 

Đáng quan tâm là các quy định xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em từ Điều 21 đến Điều 36.

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em không quy định tại Nghị định này áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.

Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, đ, h và khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em là 50 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.

Phạt tiền đến 25 triệu đồng với hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em

Điều 21 của Nghị định 130 quy định, các vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em sẽ chịu các mức xử phạt sau đây.

Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật; Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, sẽ phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em.

Điều 28 của Nghị định 130 quy định, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thông báo, không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; Ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Cùng với đó, cá nhân bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:  Không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; Không thông báo cho nơi tiếp nhận thông tin về hành vi xâm hại trẻ em; Ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; Không bảo mật thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và một số hành vi khác.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện đầy đủ, kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Từ chối, không thực hiện việc hỗ trợ, can thiệp, chăm sóc thay thế đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Còn trong Điều 31, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc/giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên.

Nghị định số 130/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục