Lãnh đạo Quốc hội gặp gỡ đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu.
Trong đó, doanh nghiệp gia đình hiện chiếm khoảng 70% số doanh nghiệp tại Việt Nam, chưa kể hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể cũng có thể coi là các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ. Doanh nghiệp gia đình cũng là nguồn hình thành đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh của đất nước và cũng là hình thức kinh doanh chủ yếu trên thế giới. Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam không chỉ tăng nhanh về số lượng mà cả trình độ, năng lực quản lý và trách nhiệm xã hội ngày càng được nâng cao.
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp gia đình. Nhiều doanh nghiệp gia đình đã lớn mạnh thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiếng không chỉ trong nước, mà còn trên thế giới,... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp gia đình thực hiện rất tốt trách nhiệm xã hội, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Căn cứ định hướng yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc của Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10 vừa qua có thể thấy, việc phát triển các doanh nghiệp gia đình là rất quan trọng, vì có thể hiểu các doanh nghiệp gia đình chính là một bộ phận quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp gia đình truyền thống của Việt Nam có những hạn chế cố hữu đang cản bước doanh nghiệp có thể nâng tầm phát triển, nhất là trong bối cảnh hiện tại. Bởi nếu văn hóa doanh nghiệp gia đình vẫn thực hiện chuyển giao, kế thừa, quản trị công ty theo lối thứ bậc một cách cổ điển như ưu tiên con cả hơn con thứ, con trai hơn con gái,... mà không dựa chủ yếu trên năng lực làm việc, điều hành sẽ khó duy trì giá trị tổ chức, khó phát triển. Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp gia đình đôi khi vẫn thiên về cảm tính, thường linh hoạt về thời gian hoặc né tránh khi có bất đồng; sự tin tưởng dựa trên mối quan hệ nhiều hơn là hoàn thành công việc.
Do đó, tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp gia đình Việt Nam tiêu biểu mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, để phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc thì rất cần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội thông qua việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong các gia đình doanh nhân.
Đặc biệt, phải lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi để xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh cũng là một yêu cầu tất yếu để phát triển doanh nghiệp bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết