Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30/9/2023, toàn quốc có 881.229 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 26.871 doanh nghiệp (3,15%) so cùng kỳ năm 2022; có 115.935 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3.602 doanh nghiệp (3,21%) so cùng kỳ; số doanh nghiệp khôi phục kinh doanh là 23.260 doanh nghiệp, tăng 1.340 (6,11%) so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh là 80.532 doanh nghiệp, tăng 7.025 doanh nghiệp (9,56%); Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 42.450 doanh nghiệp, giảm 3.932 doanh nghiệp (8,48%) so cùng kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 165.240 doanh nghiệp, tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 (132.818 doanh nghiệp).
Riêng trong quý III/2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 59.559 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn quý III kể từ trước đến nay, tăng 18% so cùng kỳ năm 2022 (50.459 doanh nghiệp).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 10/17 lĩnh vực, gồm: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (465 doanh nghiệp, tăng 15,1%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (240 doanh nghiệp, tăng 14,3%); thông tin và truyền thông (985 doanh nghiệp, tăng 6,9%); sản xuất phân phối, điện, nước, gas (816 doanh nghiệp, tăng 5,2%); khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (3.533 doanh nghiệp; tăng4,5%); kinh doanh bất động sản (1.827 doanh nghiệp, tăng 3,3%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (692 doanh nghiệp, tăng 3,1%); công nghiệp chế biến, chế tạo (5.631 doanh nghiệp, tăng 0,9%); khai khoáng (362 doanh nghiệp, tăng 0,8%); xây dựng (6.305 doanh nghiệp; tăng 0,2%).
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Số liệu trên cho thấy, nhờ những hành động và chính sách hiệu quả của Chính phủ, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, niềm tin của các doanh nghiệp được củng cố.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê cho thấy những dự báo lạc quan hơn trong quý III và quý IV/2023. Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III/2023 tích cực hơn quý II/2023 với 67,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định (30,1% tốt hơn và 37,5% giữ ổn định), 32,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2023 khả quan hơn quý III/2023 với 76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý IV/2023 so với quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định (39,1% tốt hơn, 37,2% giữ ổn định), 23,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn…
Tại hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, với nhìn nhận doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước. Với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 tới 3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.
Một niềm vui lớn đối với các doanh nhân trong dịp kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam năm nay là được đón chào Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nghị quyết mới với những nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp để phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng đất nước, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn và khẳng định sẽ nỗ lực vươn lên, đoàn kết, hợp tác dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn hiện nay cũng như trong tương lai để cùng nhân dân cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Sự phát triển mạnh mẽ và những thành tựu, kết quả đạt được của giới doanh nhân Việt Nam trong thời gian qua, ngoài sự nỗ lực hết mình của các doanh nhân, còn có yếu tố quyết định là sự lãnh đạo cùng sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nhân Việt Nam xin bày tỏ lời tri ân sâu sắc và cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương đã luôn ủng hộ, kiến tạo và hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Phạm Thị Nhung nhấn mạnh, năm 2023 là một năm đầy thử thách với nền kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng chung từ những khó khăn của kinh tế thế giới. Ở trong nước, có những lúc hệ thống ngân hàng cũng phải đối mặt với những thách thức, khó khăn. Trong bối cảnh như vậy, VPBank vẫn luôn có sự chuẩn bị tốt về năng lực vốn và có những hành động cụ thể hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân duy trì hoạt động và tăng trưởng.
Hiện tại, VPBank đã huy động thành công hàng tỷ USD nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt mới đây, Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký Cam kết khoản vay song phương với VPBank trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam.
Đặc biệt, VPBank đang trong những bước hoàn thiện cuối cùng của thương vụ bán 15% cổ phần cho đối tác là 1 trong 3 tập đoàn tài chính lớn nhất của Nhật Bản. Những việc này sẽ giúp VPBank có nguồn vốn vững mạnh cho phép chúng tôi mở rộng khả năng hỗ trợ các khoản tín dụng trung và dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án phát triển xanh, các dự án hạ tầng… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Bên cạnh đó, VPBank cũng đã thực hiện một loạt những giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm giảm lãi suất cho khách hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Gần đây nhất, VPBank đã dành một gói vay trị giá 13.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm để hỗ trợ khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh. VPBank xác định, ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp. Với những nỗ lực đó, tăng trưởng tín dụng của VPBank từ đầu năm tới nay đã vượt mức 20%, cao hơn so với mức trung bình toàn ngành…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, tri ân, chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến toàn bộ đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Thủ tướng nêu rõ, ngày 13/10 hằng năm - Ngày Doanh nhân Việt Nam là dịp để chúng ta cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định: “Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị Quyết 41 ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (thay thế Nghị quyết 09/TW ngày 9/12/2011 của Bộ chính trị). Chính nhờ quan điểm và đường lối đúng đắn đó trong đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và đội ngũ doanh nhân để “... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định.
Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, gắn bó hơn “sĩ, nông, công, thương”, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ doanh nghiệp nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt qua khó khăn, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, nỗ lực thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; đồng thời, phát huy truyền thống “chia ngọt, sẻ bùi”, “tương thân, tương ái”, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 và ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam với đất nước, với nhân dân.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chân thành cảm ơn sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự nghiệp phát triển đất nước; nêu rõ, Đảng, Nhà nước đã tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh để các doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm làm ăn. Đây là chủ trương lớn, đường lối phù hợp tình hình đất nước hiện nay.
Thủ tướng cũng bày tỏ chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nhân trong lúc khó khăn; kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, Đảng, Nhà nước để vượt qua khó khăn. Điều quan trọng là chúng ta phát hiện sớm, từ đó đưa ra giải pháp quản lý, điều hành tốt thì sẽ hạn chế khó khăn, thách thức. Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo trong phát triển hiện nay, nhất là tập trung vào những ngành nghề mới nổi như: chuyển đổi số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…
Thủ tướng khẳng định, thời gian tới, Chính phủ sẽ cụ thể hoá Nghị quyết 41-NQ/TW để cùng với doanh nghiệp, doanh nhân phát triển đúng hướng; xác định vai trò, vị trí, tầm quan trọng và giải pháp để phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lành mạnh, cống hiến cho dân tộc, quốc gia.
Chính phủ quyết tâm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các các cân đối lớn, tạo môi trường cho doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm làm ăn; phát triển đối ngoại tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển để các nhà đầu tư đến làm ăn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, học hỏi quản trị kinh doanh, tăng thêm nguồn vốn đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhất là pháp lý, chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, công dân số, hỗ trợ doanh nghiệp; giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội nghị.
Chính phủ tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực"; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, lành mạnh, minh bạch như: thị trường vốn, bất động sản, lao động đặc biệt là thị trường lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng dựa trên chất lượng, hiệu quả, dựa vào đổi mới sáng tạo.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp; có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã tồn tại từ lâu gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để nguồn vốn này thực sự trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, không chỉ trong ngắn hạn, mà cả trong trung và dài hạn. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đặc biệt thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn để tạo động lực dẫn dắt, lan tỏa, tạo cơ hội để kích hoạt đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả và thực chất Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung-cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; tăng cường triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách về miễn, giãn hoãn các loại thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ…; khuyến khích chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, các mô hình kinh doanh bao trùm, tuần hoàn…
Về phía cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, Thủ tướng đề nghị không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế; phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động sáng tạo để không những phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà còn tăng cường liên kết hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam; chú trọng công tác phát triển Đảng tại các doanh nghiệp; nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, cũng như phát triển văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ đức, đủ tâm, đủ tầm; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu; đẩy mạnh tìm hiểu, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; hoạt động sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, đúng pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh; hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và làm tốt công tác tư vấn, phản biện hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; là cầu nối, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, hùng mạnh vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết.
Lịch sử cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước thử thách lại được tôi luyện thêm sự kiên cường, bền bỉ, bản lĩnh, sự linh hoạt và tinh thần đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa, luôn tin tưởng vào doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ phát triển cùng đất nước, chung tay hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết