Phát triển du lịch thông minh

- Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, ứng dụng công nghệ số, xây dựng hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch, phát triển du lịch thông minh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, mang lại nhiều tiện ích vượt trội cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Tiện ích hơn cho người dân   

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, thực hiện Đề án “Xây dựng hệ thống Du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, ngành đã duy trì hiệu quả Cổng thông tin du lịch thông minh, quảng bá thông tin du lịch Tuyên Quang tại địa chỉ https://Mytuyenquang.vn và app “TuyenQuang tourism” dành cho thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch. Kho dữ liệu du lịch tại Cổng thông tin du lịch thông minh rất đa dạng, cung cấp hai loại đối tượng dữ liệu là dữ liệu tĩnh gồm: thông tin về các khu, điểm du lịch; doanh nghiệp lữ hành; nhà hàng; cơ sở lưu trú du lịch; tham quan thực tại ảo VR 360 tại 19 điểm du lịch của tỉnh; hiển thị vị trí của các cây ATM... và dữ liệu động, có tính cập nhật thường xuyên như thông tin sự kiện văn hóa nổi bật tại điểm đến, thông tin hỗ trợ giao thông, thời tiết; các điểm vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch, điểm mua sắm... giúp người dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin, lựa được các sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Qua 3 năm hoạt động, Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh đã đạt trên 2 triệu lượt truy cập.

Anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Fivestar Travel, quản lý vận hành Homestay Nặm Đíp & Bản Bon (Lâm Bình) cho biết: Công ty đã tích hợp dữ liệu, quảng bá qua trang cá nhân cũng như kết nối, liên kết phối hợp với các cơ quan truyền thông, thường xuyên đưa hình ảnh, thông tin về các sản phẩm mới, các chính sách cũng như các hoạt động trải nghiệm, giao lưu, chia sẻ của du khách khi thăm, trải nghiệm và sử dụng dịch vụ của công ty và tại 2 Homestay Nặm Đíp, Bản Bon. Qua môi trường số cũng như ứng dụng công nghệ đã giúp các sản phẩm, hình ảnh và thương hiệu của Công ty, các dịch vụ lan tỏa xa hơn, hữu ích hơn. Kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng cao, làm mờ đi được tính chất mùa vụ trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, ích lợi của môi trường số mang lại là bất kể ở đâu có mạng, mình đều có thể điều hành, chia sẻ công việc với cộng sự, tương tác được với khách hàng.

Du khách trải nghiệm tại Homestay Nặm Đíp và Bản Bon (Lâm Bình).

Anh Hoàng Văn Liệu, nhà hàng Nhiên Hiên, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) cho biết, nhà hàng của gia đình anh bắt đầu gây dựng từ năm 2010, quy mô có thể đón được khoảng 750 khách. Nhờ sớm tiếp cận với mạng xã hội, nên gia đình anh đã chủ động lập trang Fanpage “Nhà hàng Nhiên Hiên” trên Facebook với đầy đủ thông tin địa chỉ, số điện thoại cụ thể. Nhà hàng cũng đã lên một số thực đơn đăng tải lên Fanpage với các món ẩm thực truyền thống như: gà đồi, lạp sườn hun khói, cua đá núi Hồng, cá suối nướng, thịt trâu xào măng chua, rau rừng theo mùa... để hỗ trợ sự lựa chọn đa dạng của du khách. Anh Liệu bảo, giờ người dân đã khá thuần thục trong việc tìm “từ khóa” nơi ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi, mua sắm... của điểm đến, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm là thông tin các sản phẩm, dịch vụ dễ dàng được cập nhật. Điều này mở ra những cách thức sáng tạo mới trong loại hình kinh doanh dịch vụ... 

Không thạo các ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội, ông Ma Công Hùng, chủ Homestay Khuôn Chang, thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà (Chiêm Hóa), đều nhờ cả vào người cháu nội là Ma Thị Bích Lợi, sinh viên năm thứ 3, chuyên ngành ngôn ngữ Anh, Đại học Thái Nguyên. Lợi đã giúp ông nội tạo dựng mô hình homestay đầu tiên của thôn, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, em đã tự tìm hiểu, tạo thêm địa chỉ Homestay Khuôn Chang trên Google Maps, lập 1 trang Fanpage trên Facebook để đăng bài quảng bá, giới thiệu về homestay của gia đình, về các món ăn truyền thống đặc sắc của gia đình trực tiếp làm như: mắm cá ruộng, giò hoa chuối, nộm cua... giúp du khách hiểu hơn, có nhiều hơn những thông tin về điểm đến để lựa chọn, quyết định...

Thay đổi phương thức vận hành

Du lịch thông minh hiện đang là xu hướng phổ biến, được khách hàng ưa chuộng. Từ lúc đi vào hoạt động, Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh đã trở thành một người bạn đồng hành cùng khách du lịch với rất nhiều tính năng hỗ trợ người dùng như: bản đồ số du lịch, tra cứu thông tin du lịch; dịch vụ lưu trú, ẩm thực, mua sắm, giải trí, các dịch vụ tiện ích... Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch đều có thể tự quảng bá hình ảnh du lịch của mình trên nền tảng số cũng như trên mạng xã hội... đã mở ra những cách thức quảng bá mới so với cách làm truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tìm hiểu tất cả thông tin cần thiết về du lịch trên địa bàn tỉnh một cách dễ dàng.

Du khách trải nghiệm chèo thuyền Kayak và khám phá thắng cảnh Cọc Vài trên hồ sinh thái Na Hang.  Ảnh: K.T

Bên cạnh đó, khi gặp những vấn đề không hài lòng về chất lượng dịch vụ, sản phẩm, du khách có thể phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước bằng tính năng phản ánh ngay trên ứng dụng để được bảo vệ quyền lợi. Nhờ có được hệ sinh thái du lịch thông minh với những tiện ích hữu dụng, Cổng thông tin du lịch của tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, giúp du khách tiết kiệm được nhiều hơn thời gian, chi phí... Đó là lợi thế so sánh, là tiện ích vượt trội không dễ thực hiện được ở môi trường kinh doanh du lịch truyền thống.

Phát triển du lịch thông minh vừa góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, vừa hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, đồng thời đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người dân, du khách, hướng tới đối tượng trung tâm là người dùng.

Bài, ảnh: Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục