Tham dự trực tuyến tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, lãnh đạo Quốc hội hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức hội thảo này, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai.
Chủ đề “Du lịch Việt Nam-phục hồi và phát triển” của hội thảo có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm lớn của các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội trong bối cảnh đất nước ta đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá, hội thảo được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng; các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương, phát huy trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực du lịch, kinh tế, tài chính, văn hóa, môi trường. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan lĩnh vực du lịch đã rất quan tâm, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm qua các bài tham luận có chất lượng, thể hiện quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội.
Để hội thảo đạt kết quả cao nhất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã để nghị một số nội dung trọng tâm. Đó là, cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch thời gian tới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững.
“Hội thảo cần thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mình, du lịch được tỉnh Nghệ An xác định là ngành kinh tế có nhiều thế mạnh và được ưu tiên tập trung đầu tư, hướng tới trở thành “trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ”…
Trước bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19, hội thảo là cơ hội quý báu để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của tỉnh, học tập thêm nhiều kinh nghiệm về phục hồi, phát triển du lịch và tìm kiếm, chia sẻ cơ hội hợp tác từ các bạn bè, đồng nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu về ngành du lịch.
Qua đây, tỉnh cũng nhìn nhận, đánh giá lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch trong thời gian vừa qua, có thêm nhiều thông tin, định hướng quan trọng để phát triển du lịch Nghệ An trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tham luận “Du lịch Việt Nam trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19. (Ảnh: Duy Linh)
Tại phiên toàn thể, hội thảo đã được nghe các tham luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về du lịch Việt Nam trong bối cảnh tác động của đại dịch Cvid-19; Bộ Y tế đề xuất các giải pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách du lịch trong bối cảnh bình thường mới; báo cáo thực trạng và giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam 2022-2023; tham luận của một số địa phương; và thảo luận bàn tròn...
Gửi phản hồi
In bài viết