Phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại

- Nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, Công an tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, góp phần cùng với tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền số.

Đồng bộ xây dựng, phát triển hạ tầng số

Những năm qua, Công an tỉnh đã được quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại (mạng internet, mạng nội bộ, thiết bị máy móc...) đảm bảo thông tin, mạng nội bộ thông suốt, duy trì ổn định từ tỉnh đến cấp xã. Đến nay, hệ thống camera giám sát an ninh tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh đã tích hợp trên 800 điểm camera từ Công an cấp huyện và cấp xã. Trong đó, một số camera sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) giúp cơ quan chuyên môn dễ dàng quản lý, bao quát được tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của Công an tỉnh đã hoàn thiện, gồm: 1 điểm cầu kết nối với Bộ Công an; điểm cầu Công an tỉnh kết nối với 7 điểm cầu Công an cấp huyện; 1 điểm cầu Công an tỉnh kết nối với UBND tỉnh. Công an tỉnh đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai kết nối và đưa vào sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình từ Công an tỉnh đến Công an cấp xã.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã thực hiện kết nối hơn 170 hội nghị truyền hình trực tuyến. Hệ thống hội nghị trực tuyến đã phát huy rõ hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí tổ chức hội nghị, phục vụ kịp thời hoạt động chỉ đạo điều hành, nhất là thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tập trung đông người, họp trực tiếp.

Hệ thống camera giám sát an ninh tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh giúp dễ dàng bao quát được
tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Đơn vị đã chủ động đề xuất và được Bộ Công an đồng ý cho sử dụng hạ tầng truyền dẫn của hệ thống mạng máy tính Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để triển khai phương án gửi nhận văn bản điện tử giữa Công an tỉnh với Công an cấp huyện và 138 Công an cấp xã. Qua đó, góp phần đảm bảo nhanh chóng, bảo mật, đáp ứng tốt yêu cầu công việc, vừa nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm chi phí so với phải in, cách gửi truyền thống.

Tạo thuận lợi cho nhân dân

Công an tỉnh đã tích cực phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo lộ trình Đề án 06. Mục tiêu hướng tới sẽ từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân để chỉ sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) đối với các lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội, tài chính, viễn thông, điện, nước... Cùng với đó, Công an tỉnh đã triển khai hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân thông qua trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội của lực lượng.

Công an các xã, đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, gắn với hồ sơ thu nhận tài khoản định danh điện tử có tích hợp 4 loại giấy tờ cần thiết (thẻ BHYT, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, mã số thuế). Tính đến ngày 10-8, toàn tỉnh đã thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân cho trên 631.000 nhân khẩu từ đủ 14 tuổi, đạt trên 92% kế hoạch và trên 67.500 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử.

Người dân được hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực của ngành Công an
tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, hệ thống mạng diện rộng ngành Công an kết nối với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và 7 điểm tại Bộ phận một cửa của cấp huyện giúp tạo thuận lợi, đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính cho  công dân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Công an tỉnh đang triển khai, duy trì 125 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền về lĩnh vực xuất nhập cảnh, quản lý ngành nghề kinh doanh, đăng ký, quản lý phương tiện...

Kết quả nổi bật là Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lắp đặt thiết bị, đường truyền phục vụ công tác phân cấp đăng ký xe ô tô, mô tô cho các tổ chức, cá nhân tại trụ sở Công an cấp huyện và 25 công an cấp xã trên địa bàn tỉnh được phân cấp. Ông Sái Bá Vệ, chủ doanh nghiệp ở xã Tân Trào (Sơn Dương) bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ việc ngành Công an phân cấp biển số xe ô tô tại Công an cấp huyện và cấp biển số xe máy tại Công an cấp xã. Đây là sự chuyển biến rõ rệt trong cải cách hành chính, vừa nhanh gọn, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí đi lại cho nhân dân, doanh nghiệp”.

Việc chuyển đổi số của Công an tỉnh đã đạt những nội dung trọng tâm giúp công tác quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức và nâng cao hiệu quả nhiều mặt của lực lượng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh ta.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục