Phát triển hạ tầng số: Ưu tiên công nghệ 5G

Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế số, nơi các ngành như y tế, giáo dục, giao thông và các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần kết nối mạnh mẽ và ổn định. Do vậy, phát triển hạ tầng số, trong đó có công nghệ 5G được coi là điều kiện tiên quyết để phục vụ phát triển kinh tế số.

Đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng số

tram-phat-song.jpg

Kỹ sư Viettel kiểm tra, bảo dưỡng một trạm phát sóng 5G.

Với tốc độ vượt trội, độ trễ thấp và khả năng kết nối hàng triệu thiết bị đầu cuối, công nghệ 5G là nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Thông tin mới nhất từ Viettel cho thấy, nhà mạng này có khoảng 5,5 triệu người dùng 5G; đã phủ sóng khoảng 6.500 trạm tại khu vực trung tâm 63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, trường học, sân bay, cảng biển (tương đương đáp ứng nhu cầu của 90% dân số tại các khu vực này). Viettel cũng cho biết, lưu lượng internet trên 5G đã chiếm 30% ở khu vực triển khai, dự kiến đạt 10 triệu thuê bao 5G trong năm nay.

Nhà mạng VNPT/VinaPhone cũng phủ sóng tới tất cả khu vực trung tâm của 63 tỉnh, thành phố và tất cả 705 đơn vị hành chính cấp quận, huyện cùng các khu vực quan trọng như khu công nghiệp, sân bay, trung tâm chính trị. Tại thời điểm này, VinaPhone có khoảng 3 triệu thuê bao đang sử dụng 5G phát sinh cước trong tổng số 5 triệu thuê bao có thiết bị 5G.

Nhà mạng MobiFone đang gấp rút lắp đặt, triển khai mạng 5G để dự kiến khai trương dịch vụ vào cuối tháng 3 tới. Được biết, hiện MobiFone đã phát sóng 5G tại các khu vực trung tâm tỉnh, thành phố, khu vui chơi, sân bay, cảng biển… để khách hàng trải nghiệm trước khi chính thức cung cấp trên toàn quốc.

Thực tế từ nhiều năm trước, các doanh nghiệp viễn thông đã đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng số. Trong đó, các nhà cung cấp Viettel, VNPT, FPT, CMC, VNG đều đã đưa vào khai thác các trung tâm dữ liệu lớn có công suất thiết kế hiện đại, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn bảo mật và môi trường... Cùng với đó, Viettel, VNPT, FPT, CMC cũng đã tham gia đầu tư các tuyến cáp quang biển quốc tế cùng đối tác nước ngoài, đồng thời có kế hoạch làm chủ công nghệ xây dựng tuyến cáp quang biển riêng (không đi qua Biển Đông) để đáp ứng và bảo đảm an toàn cũng như có phương án dự phòng phục vụ nhu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Đầu tư cho hạ tầng số luôn là chiến lược dài hạn được tính toán kỹ lưỡng của các doanh nghiệp viễn thông. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57/NQ-TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 22-12-2024, việc triển khai hạ tầng số, trong đó có công nghệ 5G được đại diện các nhà mạng cho biết sẽ được đẩy nhanh hơn nữa.

Sẽ phủ sóng 5G toàn quốc

Chiến lược hạ tầng số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ đã xác định đến năm 2030 phải triển khai mạng 5G trên diện rộng, bảo đảm phủ sóng 5G đến 99% dân số. Đặc biệt, Nghị quyết số 57/NQ-TƯ cũng xác định mục tiêu đến năm 2030 là: “Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Phủ sóng 5G toàn quốc…”.

Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng, Viettel đã nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái 5G. Cụ thể, đã triển khai trên mạng lưới hệ thống mạng lõi 5G-5G core, hệ thống tính cước thời gian thực vOCS; đồng thời nghiên cứu và triển khai trên mạng lưới trạm 5G 32 thu - 32 phát; đang nghiên cứu sản xuất thiết bị 64 thu - 64 phát trong năm 2025. Các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G đang được sử dụng trên hầu hết các thị trường mà Viettel đầu tư và bước đầu xuất khẩu sang một số nước như Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

“Việc làm chủ các hệ thống, thiết bị trong hệ sinh thái 5G sẽ là nền tảng để tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ lưỡng dụng. Viettel cam kết tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57/NQ-TƯ”, ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh.

Với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), thời gian qua, cùng với việc mở rộng vùng phủ sóng 5G, VNPT đã hợp tác với các đối tác công nghệ nước ngoài để xây dựng, triển khai chiến lược kinh doanh 5G nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh mới trong các lĩnh vực trung tâm dữ liệu, AI Factory, Network API, vệ tinh, các ứng dụng cho ngành dọc. Tập đoàn cũng đẩy mạnh hợp tác dùng chung hạ tầng 4G, 5G với các nhà mạng khác để giảm chi phí, mở rộng vùng phủ sóng. Đặc biệt, VNPT sẽ triển khai cung cấp dịch vụ kết nối internet trên các tàu bay của Vietnam Airlines; triển khai hạ tầng số, phủ sóng mạng di động, hệ thống wifi free cho các sân bay khác của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam với trọng điểm là sân bay quốc tế Long Thành.

Trong năm nay, VNPT sẽ tăng vùng phủ sóng 5G lên gấp 3 lần, tiến tới phủ sóng 99% dân số theo đúng tinh thần Nghị quyết số 57/NQ-TƯ. Cùng với đó, VNPT tiếp tục thử nghiệm, phát triển các dịch vụ 5G nâng cao dành cho khách hàng. VNPT cũng đã quy hoạch hạ tầng số giai đoạn 2026-2030, nâng cấp, mở rộng năng lực hạ tầng công nghệ thông tin tăng 10-15% so với năm 2024, đáp ứng nhu cầu phục vụ điều hành sản xuất, kinh doanh năm 2025 của tập đoàn.

“Với việc cung cấp chính thức dịch vụ VinaPhone 5G, VNPT tiếp tục khẳng định vai trò của doanh nghiệp viễn thông nòng cốt của quốc gia, đồng thời thể hiện cam kết, duy trì vị thế nhà cung cấp dịch vụ truy cập hàng đầu của Việt Nam, không ngừng mang đến dịch vụ và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng”, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm cam kết.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục